Vốn được xem là loại quả đắt đỏ, nay giá hạ nhiệt khiến dâu tây Sơn La trở thành mặt hàng “đắt như tôm tươi”.
Dâu tây vốn được xem là loại trái cây nhập ngoại với giá cả đắt đỏ. Trước đây, dâu tây thường chỉ bày bán tại các siêu thị và cửa hàng hoa quả nhập khẩu với giá hơn 500.000 đồng/kg.
Năm nay, từ sau Tết, dâu tây giống ngoại được trồng ở Sơn La bắt đầu chín rộ; từ chợ truyền thống, chợ mạng đến siêu thị, hàng rong… đi đâu cũng thấy rao bán dâu tây.
Tại Hà Nội, giá cả dâu tây dao động khoảng 150.000 – 400.000 đồng/kg, chia theo 4 mức: loại vip (14 -16 quả) có giá 400.000 đồng/kg, loại to (18 – 20 quả) 350.000 đồng/kg, loại nhỡ (22 – 24 quả) 300.000 đồng/kg và loại bi (34 – 36 quả) có giá 150.000 – 220.000 đồng/kg. Để dễ bán và tiện cho vận chuyển, người bán hàng thường bán theo hộp 0,5 kg hoặc 0,3 kg.
Chị Thủy Tiên (nhân viên văn phòng, trú phố Hoa Bằng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Con nhà mình rất thích ăn dâu tây. Dâu tây nhập từ Nhật, Hàn bán trong siêu thị một hộp nhỏ 0,25 kg đã có giá 250.000 – 300.000 đồng, mình chỉ ngắm chứ không dám mua vì quá đắt. Năm nay, dâu trồng trong nước nhiều, giá rẻ, quả chín mọng, mình mua loại dâu bi 100.000 đồng/hộp 0,5 kg ăn cũng khá ngon”.
Anh Đinh Văn Đạt, chủ cửa hàng trái cây ở Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, dâu tây Sơn La đang vào chính vụ thu hoạch, hàng đổ bộ thị trường với số lượng lớn. Đây là loại quả mà nhiều người ở Hà Nội ưa thích nên dâu về đến đâu bán hết đến đó. Riêng loại dâu bi (loại có giá rẻ nhất) lúc nào cũng trong tình trạng “cháy hàng”.
Loại dâu bi này lần nào đăng bán khách cũng ồ ạt đặt mua, nhân viên chốt đơn không kịp. Bất kể đăng vào thời điểm nào trong ngày thì sau vài giờ bán cũng nhanh chóng “cháy hàng”. Có hôm, sau 6h sáng dâu về, anh nhận dâu rồi chụp ảnh đăng bài rao bán, chưa đầy 2 giờ đồng hồ, gần 500 hộp dâu bi được khách đặt mua hết.
Chị Tạ Thu Trang, chuyên bán hoa quả online tại phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, dâu tây đang chính vụ nên ngọt hơn. Hơn nữa giá cả so với Tết đã giảm khoảng 20.000 – 50.000 đồng/kg tùy loại nên rất hút người mua. Khách hàng chủ yếu là gia đình trẻ ở các khu chung cư.
“So với các loại trái cây, dâu tây mùa này đang bán chạy nhất. Dâu tây là quả thân mềm, trong quá trình vận chuyển dễ bị trầy xước và nhanh hỏng nên chúng tôi phải “nâng như nâng trứng”. Hàng tươi mới hái trong ngày, lấy về hôm nào bán hết hôm đấy. Khách hàng muốn mua loại to, đi biếu thường phải đặt trước. Trung bình mỗi ngày, tôi bán được hơn 100 hộp, ngày cuối tuần bán nhiều hơn”, chị Trang nói với Thanh Niên.
Lý giải về việc dâu tây Sơn La “phủ sóng” khắp thị trường Hà Nội, thậm chí lấn lướt cả dâu tây nhập ngoại, anh Nguyễn Đình Huy, chủ trang trại dâu tây Huy Béo ở xã Mường Sang (huyện Mộc Châu, Sơn La), cho biết thông thường mùa dâu tây bắt đầu từ tháng 12 và kết thúc vào tháng 5 năm sau.
Tuy nhiên, năm nay, thời tiết lạnh muộn nên hiện tại là chính vụ. “Dâu ngon nhất là chính vụ từ cuối tháng 2 sang tháng 3, quả chín rộ, mọng, trái to, đều. Trung bình mỗi ngày, trang trại của tôi thu hoạch được 3 tạ dâu. Nếu thời tiết những ngày tới tiếp tục thuận lợi, sản lượng dâu tây có thể tăng lên 5 – 7 tạ/ngày”, anh Huy nói.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quý ở Mai Sơn (Sơn La), cũng cho biết, dâu tây đang vào chính vụ thu hoạch. Sản lượng cho thu mỗi ngày tại hợp tác xã lên tới 5-8 tấn. Riêng diện tích dâu tây của gia đình ông đang cho thu 1-2 tấn/ngày.
Lượng dâu thu hái đến đâu được bán sỉ hết cho các hệ thống siêu thị và các cửa hàng trái cây. Bởi, HTX dâu tây Xuân Quý trồng theo hình thức liên kết, sản phẩm thu hoạch được bao tiêu. Cũng vì thế, dịp này ông từ chối khá nhiều khách hỏi mua sỉ bên ngoài do cung không đủ cầu.
Thời điểm này, để kịp thu hoạch dâu tây chín trên đồng, ông phải thuê hàng trăm lao động chuyên đi hái trái. Giá thuê nhân công tùy vào kỹ thuật hái của mỗi người. Trong đó, người có kỹ thuật hái chuẩn không để quả dâu bị dập hỏng, dâu hái đúng theo tỉ lệ 7 phần chín 3 phần xanh hoặc 8 phần chín 2 phần xanh thì tiền công mỗi ngày họ nhận được là 400.000 đồng/người; với những người chỉ gọi là “biết hái”, tiền công nhân được thường là 150.000 đồng/ngày. Theo ông Nam, tổng sản lượng dâu vụ này của HTX ước khoảng 600 tấn, tầm tháng 4 sẽ kết thúc vụ.
Chị Cao Lan Anh, phụ trách kênh bán hàng online, Trang trại Hoàng Anh (HTX Công nghệ cao Mộc Châu) cho hay, do khí hậu Mộc Châu rất hợp với giống dâu tây Hana Nhật Bản nên quả trồng ở đây có vị ngọt hơn so với dâu trồng ở nơi khác. Bên cạnh đó, năm nay diện tích trồng dâu của các trang trại đều mở rộng nên sản lượng tăng cao.
Theo tìm hiểu, dâu Hana này có xuất xứ từ Nhật Bản, tên gốc là dâu tây Tochiotome. Cách đây gần chục năm, một anh chàng người Nhật Bản tên Nahana Shojiro đã quyết định sang Việt Nam sinh sống và chọn Mộc Châu là vùng đất dừng chân. Anh mang theo giống dâu tây trồng thử nghiệm ở Mộc Châu.
Sau một thời gian, dâu tây Tochiotome cho thu hoạch với trái màu đỏ đậm, căng mọng, ăn ngọt thơm, khác hoàn toàn dâu tây Mỹ và Hàn Quốc, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Giống dâu này dần được nhân rộng, trồng ngày càng nhiều ở Mộc Châu. Thế nhưng, vì tên dâu tây Tochiotome khá khó đọc nên người dân cao nguyên lấy tên của anh nông dân Nahana Shojiro để đặt tên cho giống dâu tây này, mục đích chính là dễ gọi và dễ nhớ. Từ đó, dâu tây Tochiotome có tên mới là “dâu tây Hana”. Dâu tây Hana chỉ có theo mùa, hiện đang là chính vụ thu hoạch.
“Năm nay, chúng tôi trồng 9 ha dâu, gần gấp đôi năm ngoái. Thời điểm chính vụ, mỗi ngày chúng tôi bán ra thị trường gần 1 tấn dâu. Khách hàng của chúng tôi đến từ 3 kênh: siêu thị, đổ buôn và bán trên kênh online. Đặc biệt, kênh online năm nay đang bán rất tốt ở Hà Nội, hàng chưa về đã có người đặt trước, hầu như không có hàng tồn”, chị Lan Anh nói.
Ngoài những lý do trên, dâu tây trồng ở Mộc Châu được ưa chuộng còn bởi chất lượng được kiểm soát tốt so với hàng trôi nổi trên thị trường. Chị Cao Lan Anh cho biết, tại trang trại của chị, dâu tây được chọn lọc cẩn thận từng hộp dâu trước khi giao. Các đơn hàng đều được bảo hành trong ngày nên khách hàng yên tâm về chất lượng.
Hiện tại, giá dâu tây Sơn La đắt hơn khoảng 3 – 4 lần so với dâu tây Trung Quốc đang bán trên thị trường. Vì vậy, đã có tình trạng người bán trà trộn dâu Trung Quốc gắn mác dâu Sơn La để kiếm lợi nhuận.
Để tránh mua phải dâu tây trôi nổi trên thị trường, theo anh Nguyễn Đình Huy người tiêu dùng cần chú ý: “Nhìn bằng mắt thường, dâu Hana tròn, mọng, cuống ngắn, quả to nhưng không đều, màu sắc đỏ tươi. Còn dâu Trung Quốc quả đồng đều, sần sùi, màu đỏ đậm, hạt lồi ra ngoài. Về mùi vị, khi ăn dâu Sơn La có mùi thơm, ngọt thanh, tan ra trong miệng, còn dâu Trung Quốc dẻo, chua”.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên mua dâu của các trang trại, HTX có địa chỉ, số điện thoại trên bao bì đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGap. Hàng trôi nổi không có nhãn mác, chất lượng sẽ không được đảm bảo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Minh Hoa (t/h)