Áp lực điều chỉnh nhẹ đến từ hầu hết các nhóm ngành khiến cho VN-Index có phần hụt hơi giảm 3 điểm. Trong khi đó, thanh khoản cũng có sự suy giảm.
Kết phiên giao dịch ngày 2/3, VN-Index giảm 2,94 điểm (-0,28%) xuống 1.037,61 điểm, HNX-Index giảm 0,69 điểm (-0,33%) xuống 206,14 điểm. Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục ở mức thấp với giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 7,1 ngàn tỷ đồng, cho thấy nhà đầu tư vẫn lo lắng về rủi ro tiềm ẩn trong ngắn hạn.
Sự rung lắc và tốc độ giao dịch chậm được ghi nhận trong phiên sáng cùng với thanh khoản thấp cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Áp lực điều chỉnh nhẹ xuất hiện về giữa phiên ở hầu hết các nhóm ngành khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm nhẹ.
Theo dữ liệu của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), BID là mã trụ chủ lực cho thị trường với mức tăng 1,6% và kéo VN-Index tăng 0,951 điểm. Tuy vậy, các cổ phiếu khác thuộc nhóm ngân hàng lại không tích cực bằng. Phân nửa cổ phiếu nhóm ngân hàng giảm điểm, trong đó có thể kể như VPB (-0,9%), TCB (-0,4%), ACB (-0,4%), CTG (-1,6%), MBB (-1,4%), SSB (-0,2%), MSB (-0,4%), TPB (-0,8%)…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán là một trong những nhóm tiêu cực nhất phiên hôm nay. 18/25 mã giảm giá. Tuy nhiên, trong số những cổ phiếu tăng có VIG (+10%) thậm chí tăng trần. VIG đang lên kế hoạch trình cổ đông phương án chào bán 50 triệu cp riêng lẻ với giá 12.000 đồng/cp để huy động số tiền 600 tỷ đồng.
Nhìn chung tình trạng phân hóa diễn ra rộng trên toàn thị trường. Lực mua và lực bán cũng khá cân bằng. Tại thời điểm kết phiên, toàn thị trường ghi nhận 371 mã tăng và 411 mã giảm giá. Như vậy, độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về tiêu cực.
Khối ngoại tiếp tục chuỗi ngày bán ròng, giá trị bán ròng trên HOSE là 120,16 tỷ đồng. VHM, VCB, MSN là ba cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh từ khối ngoại với giá trị ròng lần lượt đạt 34,6, 27,9 và 22,7 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, bên short tiếp tục chiếm ưu thế trước bên long với việc hợp đồng tương lai VN30 tháng 3/2023 giảm mạnh hơn chỉ số cơ sở VN30, qua đó nới rộng mức chênh lệch âm lên thành 4,73 điểm. Điều này cho thấy là tâm lý của các trader đang tỏ ra tiêu cực hơn về xu hướng của thị trường trong ngắn hạn.
VN-Index có phiên giảm điểm nhưng vẫn đóng cửa trên vùng kháng cự 1028-1033 điểm. Nếu trong phiên cuối tuần, chỉ số vẫn duy trì trên vùng kháng cự này, có thể mở ra cơ hội hồi phục ngắn và hướng đến thử thách 1065-1075 điểm đầu tuần tới. Chuyên gia của BVSC cho rằng nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể xem xét mở vị mua trading ngắn khi VN-Index giảm về vùng hỗ trợ 1028-1033 điểm.
Trong khi đó, chuyên gia của VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư đã bắt đáy thành công phiên ngày 01/03 bám sát thị trường tại vùng điểm 1040 – 1050 để có thể hiện thực hóa lợi nhuận ngắn hạn kịp thời nếu áp lực bán bất ngờ xuất hiện trở lại.
Nguyễn Luận
Link nguồn