Gần 2 tuần trở lại đây giá hồ tiêu tại Đắk Lắk đang tăng từng ngày, người trồng tiêu khấp khởi mừng với kỳ vọng giá tốt sẽ phần nào bù lại chi phí đầu vào tăng cao.
Giá hồ tiêu đang ở mức cao, người trồng vẫn lo lắng
Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá tiêu những tháng đầu năm tăng mạnh. Cụ thể, vào ngày 23/2, giá tiêu giao dịch quanh mức 65.000 – 67.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg so với hồi đầu năm. Trong đó, giá tiêu tại Đắk Lắk giao dịch ở mức trên 65.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá tiêu tăng mạnh ngay cả trong giai đoạn thu hoạch một phần là do yếu tố lạm phát đang tăng cao. Đồng thời, Trung Quốc đang quay trở lại mua hàng từ Việt Nam sau thời gian đóng cửa để thực hiện chính sách Zero Covid. Đây là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn thứ hai của Việt Nam, với tỉ trọng khoảng 12%, đứng sau Mỹ (26%) và chủ yếu nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tú (thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) trồng hơn 6.000m2 hồ tiêu, cần khoảng 150 nhân công thu hái với giá 230.000 đồng/người/ngày. Sản lượng năm nay, gia đình ông thu được khoảng 3 tấn tiêu, cao hơn vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2022 khoảng 1 tấn nhờ thời tiết thuận lợi, mưa đều hơn.
Tuy nhiên, theo ông Tú, vào đầu vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2022, giá hồ tiêu cao (bình quân trên 80.000 đồng/kg), trong khi giá hồ tiêu đầu vụ thu hoạch năm 2023 đến nay dao động từ 58.000-67.000 đồng/kg. Với giá tiêu như hiện nay cùng với giá vật tư đầu vào cao, người nông dân chưa trông đợi nhiều vào lãi.
Tương tự, bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, cho biết, vụ tiêu năm nay được mùa và giá có chiều hướng tăng nên bà con cũng khấp khởi mừng. Hiện gia đình có 6 sào tiêu, sản lượng ước đạt khoảng 3 tấn, sản lượng cao hơn năm ngoái gần 1 tấn, gia đình đang tập trung nhân công thu hoạch cho xong để hy vọng bán được với giá tốt để bù đắp chi phí đầu tư.
“Năm ngoái giá tiêu giảm mạnh giá nhân công, giá phân bón xăng dầu nói chung đều tăng. Cùng thời điểm đó tiêu lại gặp sâu bệnh do thời tiết không thuận lợi nên người trồng gặp rất nhiều khó khăn. Mong rằng trong thời gian tới giá tiêu ổn định hoặc tăng cao hơn, người dân sẽ có thêm thu nhập”, bà Hạnh nói với VOV.
Tính toán bài toán lãi lỗ trong vụ thu hoạch hồ tiêu, ông Nguyễn Ngọc Ánh (thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) cho biết trung bình, giá chi phí sản xuất, chăm sóc, nhân công thu hái khoảng 140 triệu đồng/ha hồ tiêu. Với giá bán 62.000 đồng/kg, năng suất đạt 3 tấn/ha thì người nông dân lãi khoảng 40 triệu đồng.
Do đó, với giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong thời gian qua, giá công lao động ngày càng cao và khan hiếm thì người nông dân kỳ vọng giá hồ tiêu bán ra được từ 90.000 đồng/kg trở lên.
Hiện nay, để tiết giảm chi phí đầu tư, người nông dân trồng hồ tiêu huy động nguồn nhân công trong gia đình thu hái hoặc hái đổi công trong xóm, trong vùng. Ngoài ra, nông dân trồng xen canh cây hồ tiêu với cây cà phê, cây sầu riêng, cây bơ… để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích sản xuất.
Để phát triển hồ tiêu bền vững, ngoài kỳ vọng về giá, nông dân tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, các cấp, các ngành tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, có giải pháp ổn định về giá các loại mặt hàng này nhằm giúp nông dân có nguồn thu ổn định, yên tâm sản xuất.
Phát triển bền vững, nâng cao giá trị cây hồ tiêu
Trong những năm qua, mặc dù giá hồ tiêu giảm mạnh, đặc biệt là giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên người dân một số địa phương ở Đắk Lắk vẫn xác định hồ tiêu là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình và nỗ lực duy trì diện tích trồng hồ tiêu.
Người dân ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ kết hợp với các chế phẩm sinh học để chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại. Bên cạnh đó, người dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, cần cù, chịu khó và ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất hồ tiêu.
Huyện Cư Kuin là vùng trọng điểm trồng hồ tiêu của tỉnh với diện tích gần 4.700 ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch 4.044 ha. Vụ tiêu 2023 năng suất toàn huyện đạt cao hơn năm ngoái, ước khoảng 3,4 tấn/ha (cao hơn khoảng 2 tạ/ha). Trên địa bàn huyện, cây hồ tiêu được trồng chủ yếu ở hai xã: Ea Ning và Ea Bhốk tạo thành vùng nguyên liệu tập trung, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Để đồng hành với người dân trong sản xuất hồ tiêu bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất hồ tiêu, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường việc trao đổi hợp tác trong sản xuất… Đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành 1 hợp tác xã sản xuất hồ tiêu hữu cơ với diện tích 30 ha; 2 câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt với diện tích 25 ha; 2 tổ hợp tác sản xuất hồ tiêu bền vững với diện tích 20 ha. Đặc biệt, trong quá trình thu hoạch, người dân trên địa bàn huyện luôn ưu tiên thu hái những chùm quả chín trên 95% nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của vườn cây. Sau thu hoạch, người dân chủ yếu sử dụng hình thức phơi sấy tự nhiên là chính, ít có hộ gia đình sử dụng lò sấy.
Ông Nguyễn Cảnh Danh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin, cho biết, trong thời gian tới, huyện Cư Kuin tiếp tục tổ chức các mô hình sản xuất hồ tiêu theo hướng nâng cao chất lượng gắn với phát triển bền vững; đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất hồ tiêu xuất khẩu; tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng như tiếp tục hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại đối với sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu.
Đồng thời, huyện Cư Kuin kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường triển khai các chương trình khoa học công nghệ, chương trình hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ngành hàng hồ tiêu.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, ngành hàng hồ tiêu đã đồng hành với bà con nông dân từ những năm 1990, nở rộ từ những năm 2000. Kỹ thuật canh tác và trồng trọt cây hồ tiêu của nông dân đã rất tốt.
Tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai đang triển khai dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” giai đoạn 2021-2023 nhằm góp phần nâng cao năng lực trong chuỗi cung ứng hồ tiêu để đáp ứng các yêu cầu của thị trường châu Âu và Hoa Kỳ.
Các địa phương cần mở rộng chuỗi tham gia, tạo điều kiện cho nông dân tham gia dự án ngày càng đông và định hướng cho bà con sản xuất sản phẩm phù hợp với tiêu chí của các thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, nông dân cần được cung cấp kiến thức mới để sản xuất tuân thủ tiêu chí của thị trường và doanh nghiệp phải hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân.
Có thể nói, để đảm bảo giá trị ngành hàng hồ tiêu và phát triển bền vững, luôn luôn cần sự hợp tác chặt chẽ giữa người xuất khẩu, nhà chế biến với người sản xuất.
Minh Hoa (t/h)