Nghị định 08 do Chính phủ ban hành giúp các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tất toán trái phiếu đáo hạn như “nắng hạn gặp mưa rào”.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được cho là “cứu cánh” cho doanh nghiệp.
Trong đó, bổ sung hàng loạt điểm mới về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn để thanh toán trái phiếu đáo hạn.
Nghị định 08 giúp TPDN được “hạ cánh mềm”
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings phân tích, nhìn chung, Nghị định 08 sẽ mang tới tích cực nếu trái phiếu phát hành có chất lượng hơn và minh bạch hơn để giúp nhà đầu tư cá nhân quay lại thị trường, giảm bớt phần nào áp lực cho thị trường trái phiếu thời gian tới.
Ông Thuân nhấn mạnh các quy định mới tại Nghị định 08 có giá trị tích cực và cơ sở cho việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm giải cứu cho trái phiếu hiện nay, nhất là trái phiếu bất động sản. Song, các điểm mới mà thị trường đánh giá là tích cực tại Nghị định 08 vừa được ban hành vẫn đặt ra nhiều vấn đề.
Thứ nhất, về vấn đề thanh toán nợ trái phiếu bằng tài sản khác nếu được nhà đầu tư chấp nhận sẽ đặt ra vấn đề cần có một quy định chuyên ngành rõ ràng làm cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hơn việc xử lý nợ trái phiếu doanh nghiệp vì cần làm rõ tài sản đó có tình trạng pháp lý và giá chuyển đổi ra sao.
Thứ hai, việc kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa 2 năm cũng cần thêm cơ chế giám sát để tránh đưa nhà đầu tư vào thế khó khi kéo dài thời gian trả nợ hơn nhưng kết cục không thu được gì.
Thứ ba, tạm ngưng định nghĩa nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm đến ngày 31/12/2023. Điểm tích cực của điều này là sẽ có nhiều nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia vào thị trường hơn và nguồn tiền sẽ đổ lại vào kênh huy động vốn này. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, điều khoản này chỉ tốt đối với trái phiếu phát hành có chất lượng và doanh nghiệp minh bạch.
Đồng thời, việc lùi xếp hạng tín nhiệm được đánh giá là gây đáng tiếc vì đây là yếu tố góp phần minh bạch thông tin cho thị trường và khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư quay trở lại.
Nêu quan điểm của bản thân, lãnh đạo FiinRatings kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai không hạ nhóm nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp do ngân hàng cấp tín dụng nữa thì cũng sẽ là điều tích cực cho vấn đề trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng bất động sản.
Bên cạnh đó, ông Thuân cũng kỳ vọng pháp lý dự án được tháo gỡ để thuận lợi cho ngân hàng tái tài trợ, tái cơ cấu/kéo dài 2 năm, huy động mới/phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại, chuyển nhượng, M&A … để khối lượng 400 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được “hạ cánh mềm”.
“Điều này hạn chế tác động chéo thêm đến ngành ngân hàng và thị trường tài chính – chứng khoán và có thể đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 và 2024.
Các quy định mới này cũng có giá trị tích cực và cơ sở cho việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm “hạ cánh mềm” cho trái phiếu hiện nay, nhất là trái phiếu bất động sản. Còn việc khôi phục niềm tin và cầu đầu tư trái phiếu thì có lẽ phải cần thời gian và các giải pháp bổ sung tiếp theo”, ông Thuân nhấn mạnh.
Nguồn vốn cho doanh nghiệp vẫn “tắc”
Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề trái phiếu trong thời gian qua, TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cho biết, thời gian gần đây thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề khiến thị trường bất động sản khó khăn hơn rất nhiều.
Trong bối cảnh thời gian vừa qua, các doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt áp lực kinh tế vĩ mô như vấn đề tỉ giá, lãi suất, biến động địa chính trị. Dù tính đến thời điểm tháng 3/2022, tình hình kinh tế vĩ mô có dấu hiệu khởi sắc, chính sách của FED diễn biến tích cực, thanh khoản được nâng cao, lãi suất huy động/cho vay được kéo xuống thấp,…
Bên cạnh đó, tình hình thị trường bất động sản đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ khi thành lập các tổ công tác chuyên ngành đặc biệt giải quyết các khó khăn còn tồn đọng.
Tuy nhiên, không có nguồn thu mới từ trái phiếu doanh nghiệp thì theo ông Thành, nguồn vốn trung dài hạn cho các doanh nghiệp nói chung và bất động sản nói riêng vẫn sẽ gặp khó.
Đồng quan điểm. TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng với quy mô phát hành trái phiếu lớn trong giai đoạn 2018 – 2021 và thời hạn khoảng 4 năm thì sẽ có một khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáng kể sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023 – 2025, khoảng hơn 700 nghìn tỷ đồng, chưa tính tiền lãi.
Hiện nay, dù có nhiều doanh nghiệp đã chủ động mua lại trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với các năm trước đó nhưng vẫn không đủ để so với số lượng các doanh nghiệp xin chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
“Nếu doanh nghiệp mua lại trước hạn thì con số trên sẽ giảm bớt, nhưng việc mua lại trái phiếu trước hạn với doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn này không phải là điều dễ dàng”, ông Lực nói.
Doanh nghiệp vẫn cần tự cứu mình
Ông Cấn Văn Lực nêu quan điểm các doanh nghiệp nên tự “cứu” lấy mình, đồng thời thể hiện được trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường bằng một số hành động cụ thể mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự làm được.
Trong Nghị định 08 đã quy định, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Ở đây, điều cần lưu ý là câu chuyện đàm phán cần sự chấp thuận từ cả hai phía. Phía doanh nghiệp phải thể hiện công khai, minh bạch, dứt khoát cam kết và thực hiện đúng với những đề xuất đặt ra với nhà đầu tư.
Phía nhà đầu tư, trái chủ cũng nên đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Bởi có thể xảy ra trường hợp nếu ép quá, nhà đầu tư “dồn doanh nghiệp vào chân tường” thì cả hai bên sẽ không thể tìm được tiếng nói chung, đồng loạt rơi vào thế khó.
Để việc đàm phán diễn ra suôn sẻ, TS. Cấn Văn Lực cho biết điều kiện đặt ra là cơ quan quản lý phải đứng ra hướng dẫn, quản lý, giảm sát phương án giãn/hoãn nợ để hoạt động này trở nên đúng đắn, pháp lý đầy đủ và không gây ảnh hưởng tới thị trường chung.
Đồng thời đưa ra các hướng dẫn cụ thể để nhất quán thực hiện, tránh để xuất hiện xung đột về lợi ích cũng như khả năng xảy ra tranh chấp sau này.
Tiếp đó là doanh nghiệp có thể chọn phương án bán tài sản với giá thấp hơn bình thường, chấp nhận “cắt lỗ” các tài sản từ 20-30% thậm chí chiết khấu tới 30-40% để có nguồn tiền tất toán trái phiếu đáo hạn.
Sở dĩ phải “cắt máu” đậm như vậy bởi giá bất động sản thời gian vừa qua phát triển khá “nóng”, mức giá đang quá cao so với khả năng chi trả của khách hàng. Doanh nghiệp phải chấp nhận chịu giảm lãi, hoặc thậm chí lỗ nếu muốn có thanh khoản.
Cuối cùng doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ pháp lý đầy đủ, minh bạch thông tin để ngay khi Nghị định 65 sửa đổi được Nhà nước phê duyệt thì lập tức phát hành các lô trái phiếu mới, từ đó có khoản thu mới để quay vòng vốn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Nguyễn Thị Hồng Nhung