Lực cầu về cuối phiên đã giúp VN-Index bật tăng mạnh mẽ tiếp cận lên vùng điểm 1060. Sự cải thiện về mặt thanh khoản, đặc biệt là ở chiều mua chủ động đã cho thấy những tín hiệu tích cực hơn trong tâm lý nhà đầu tư.
Kết phiên giao dịch ngày 9/3, VN-Index đạt 1.055,95 điểm, tăng 6,77 điểm (+0,65%) với khối lượng giao dịch gia tăng trên mức trung bình. VN30 tăng 9,69 điểm (+0,93%) lên 1.050,28 điểm, HNX-INDEX tăng 0,35 điểm (+0,17%) lên 209,03 điểm, UPCoM tăng 0,07 điểm (+0,09%) lên 76,56 điểm.
Thanh khoản trên 3 sàn tăng phiên thứ 06 liên tiếp lên 11,965 tỷ (+16,8%) quay trở lại mức trung bình 2 tháng đầu năm 2023, tương ứng với 693 triệu cổ phiếu được giao dịch. Độ rộng thị trường tích cực với VN-INDEX có 271 mã xanh điểm (8 mã tăng trần), 118 mã giảm điểm (01 mã giảm sàn).
Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 1.279,75 tỷ đồng, bán ra 1.087,31 tỷ đồng, tương đương mua ròng 192,44 tỉ đồng trên HOSE. HSG được mua ròng nhiều nhất với +65,4 tỷ đồng, tiếp theo là SSI +55,6 tỷ, POW +39,1 tỷ. Phía bán ròng có DCM -63,9 tỷ, VCB -38,8 tỷ đồng.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, điểm nhấn trong thị trường đến từ thông tin tích cực khi Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II từ 15/3/2023. Đây là chất xúc tác cho nhóm cổ phiếu du lịch, hàng không, vân tải, khách sạn tăng điểm hết biên độ ngay từ đầu phiên như VTD (+14,7%), HVN (+6,8%), SKG (+6,9%), DAH (+6,9%)…
Ảnh hưởng tích cực cũng thể hiện lên nhóm cổ phiếu chăn nuôi như DBC (+5,6%), BAF (+4,1%), HAG (+3,44%). Đà tăng cũng mở rộng sang các nhóm ngành khác như bán lẻ với DGW (+6,9%), MWG (+1,5%).. cao su và khu công nghiệp như IDC (+3,0%), SZC (+3,5%), GVR (+4,5%), PHR (+2,6%)…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng duy trì tăng điểm tích cực hỗ trợ đà tăng của thị trường nổi bật với STB (+4,5%) với khối lượng giao dịch tăng đột biến hơn 2 lần trung bình, tiếp theo là SHB (+2,49%), OCB (+2,49%), VIB (+2,42%)… Trong khi đó nhiều cố phiếu xây dựng, đầu tư công và dầu khí có diễn biến kém tích cực khi chịu áp lực bán chốt lãi tại các vùng đỉnh cũ tháng 08,09/2022 như LCG (-1,5%), HHV (-1,4%), HT1 (-1,3%), PVS (-1,5%), PVD (-1,1%)…
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2303 tăng 12,7 điểm (+1,22%). Quay lại mức chênh lệch dương 0,42 điểm so với VN30. Các kỳ hạn dài hơn tháng VN30F2304, VN30F2306, VN30F2309 thu hẹp dần mức chênh lệch còn -2,28 điểm đến -6,38 điểm. Trong đó kỳ hạn VN30F2309 có mức chênh lệch -5,58 điểm thấp hơn kỳ hạn ngắn hơn VN30F2306 cho thấy các trader đang kỳ vọng sự đảo chiều tích cực của chỉ số VN30 trong tương lai.
Chuyên gia của VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư đã mua gia tăng đối với những cổ phiếu khả dụng trong tài khoản ở các phiên trước tiếp tục duy trì vị thế nhưng nên hạn chế mua mới và sẵn sàng tâm lý chốt lời nếu thị trường xuất hiện dấu hiệu đảo chiều trong
những phiên tới.
Trong khi đó, chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong phiên cuối tuần, thị trường có thể gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh khi lượng cung hàng giá thấp của phiên 8/3 về tài khoản. Với việc vượt qua vùng 1040-1045 điểm, VN-Index có
cơ hội hình thành nhịp tăng ngắn với các vùng giá mục tiêu nằm tại 1072-1082 điểm và 1120-1125 điểm trong thời gian tới.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở các vị thế mua trading khi VnIndex lùi về trong vùng hỗ trợ từ 1040-1045 điểm hoặc 1028-1033 điểm. Tập trung vào các theme đầu tư như đầu tư công, Trung Quốc mở cửa, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong danh mục các quỹ VNM ETF và Fubon ETF, các ngành khác như chứng khoán, thép, vận tải biển…
Nguyễn Luận