Home Kinh tế vĩ mô Đón sóng đầu tư FDI: Đừng để ‘đại bàng’ ít, còn ‘chim...

Đón sóng đầu tư FDI: Đừng để ‘đại bàng’ ít, còn ‘chim ri’ thì nhiều

0

Theo chuyên gia, việc phái đoàn các nhà đầu tư lớn của Mỹ đến Việt Nam khảo sát đầu tư thời gian vừa qua là tín hiệu rất tích cực, cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam.

Theo dữ liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/3/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng hơn 4,3 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong tháng 3 năm nay, giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư FDI giảm và vốn điều chỉnh chưa được cải thiện nhiều so với 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, số dự án đầu tư mới và số lượt dự án điều chỉnh vốn vẫn tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, có 522 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 62,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD. Có 234 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 2,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 1,21 tỷ USD.

Vốn đầu tư mới tuy không còn duy trì được mức tăng mạnh như trong 2 tháng đầu năm, song số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng mạnh so với 2 tháng đầu năm. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới.

Đáng chú ý vừa qua, hơn 50 doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC) đến tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Đã nhiều năm nay, hàng năm, đều có đoàn các doanh nghiệp thuộc USABC tới Việt Nam, nhưng có lẽ, chưa bao giờ quy mô đoàn lại lớn như năm nay. Có tới 50 doanh nghiệp, bao gồm rất nhiều tên tuổi lớn, như Boeing, Coca-Cola, CitiBank, Meta, SpaceX, Netflix, Abbott, AES… hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, bán dẫn, tài chính, y tế, dược phẩm, năng lượng… đã tới Việt Nam trong dịp này.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ngày 21/3, đại diện các “đại bàng” Mỹ như Meta, SpaceX, VISA, AES, Boeing… đều bày tỏ mong muốn được thiết lập hoặc mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh danh tại thị trường Việt Nam.

Trong đó có SpaceX – công ty của tỷ phú Elon Musk. Hiện công ty này đang tìm kiếm cơ hội để phát triển thị trường dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Boeing cũng đang muốn tăng cường hoạt động tại Việt Nam, khi đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội…

Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề đầu tư FDI của quý đầu năm 2023, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nói rằng, nếu nhìn vào số liệu vốn FDI đăng ký mới của một quý thì điều này chưa thể phản ánh được bức tranh của cả năm.

Theo ông Toàn, tổng số vốn dù giảm nhưng số dự án đầu tư vào lại tăng, hầu hết là dự án nhỏ, bình quân vốn đầu tư của các dự án mới giảm đi, không có những dự án tỷ USD vào Việt Nam.

“Điều đó giống như việc chúng ta đang làm tổ đón “đại bàng”, nhưng “đại bàng” chưa đến mà “chim ri” lại vào nhiều”, ông Toàn nói và đánh giá, việc đầu tư FDI thời gian tới sẽ khó hơn rất nhiều.

Kinh tế vĩ mô - Đón sóng đầu tư FDI: Đừng để “đại bàng” ít, còn “chim ri” thì nhiều
Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Ảnh: Thu Huyền).

Phó Chủ tịch VAFIE dự báo phải đến cuối năm nay hoặc sang đầu năm 2024 dòng vốn đầu tư FDI mới có sự cải thiện với nhân tố chính là các nhà đầu tư Mỹ.

“Việc phái đoàn các nhà đầu tư lớn của Mỹ đến Việt Nam khảo sát đầu tư thời gian vừa qua là tín hiệu rất tích cực và cho thấy, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam”, ông Toàn nói.

Song, ông cũng nhấn mạnh: “Đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam khảo sát thì họ cũng sẽ đến các quốc gia khác. Việt Nam phải cạnh tranh với rất nhiều quốc gia trong xu hướng chuyển dịch đầu tư toàn cầu”

Ngoài các đối thủ trực tiếp trong khu vực, có cùng điều kiện Việt Nam, xu hướng của một số quốc gia phát triển hiện nay là muốn khuyến khích nhà đầu tư quay trở lại đầu tư tại chính nước đó. Đây là sự cạnh tranh đa chiều rất gay gắt trong thu hút vốn đầu tư FDI, buộc chúng ta phải thay đổi, cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam, ít nhất là những cam kết với nhà đầu tư.

Nói rõ hơn về những vấn đề cần cải thiện trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam, vị Phó Chủ tịch VAFIE nhấn mạnh vấn đề về hạ tầng, chính sách và đặc biệt là nguồn nhân lực. Nói cách khác, cần tạo ra những đối tác phù hợp, những doanh nghiệp phụ trợ tham gia được vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.

Nguyễn Thu Huyền

Link nguồn