Mới đây, Tiêu chuẩn Việt Nam dành cho thịt mát đã được công bố. Trong cuối năm 2018, nhà máy sản xuất thịt mát đầu tiên sẽ được công bố và vận hành. Khi ấy, thị trường thịt quốc gia có trị giá ước tính 18 tỷ USD, sẽ được “vẽ” lại.
Hãy bắt đầu bằng một chuyện cũ. Năm 2016, Công ty CP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO) chi 2.100 tỷ đồng mua 25% cổ phần, để trở thành cổ đông chiến lược của Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan).
Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư, doanh nghiệp. Chú ý không chỉ vì Vissan hiện đang là nhà cung cấp thịt tươi sống hàng đầu Việt Nam, mà còn vì ANCO là một thành viên của Masan – tập đoàn hùng mạnh của tỷ phú kín tiếng Nguyễn Đăng Quang.
Vissan hiện chưa hoạt động mạnh ở khu vực phía Bắc, nhưng doanh nghiệp này cũng đã có hệ thống 130.000 điểm bán buôn, bán lẻ, hơn 1.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, 60 cửa hàng giới thiệu sản phẩm…
Đương nhiên, khi trở thành cổ đông chiến lược của Vissan, nguồn cung và hệ thống bán hàng của doanh nghiệp này sẽ là điều Masan hướng tới. Với các nhà đầu tư, đó là “thêm” một chỉ dấu cho thấy Masan sẽ hướng tới thị trường bán lẻ thực phẩm tươi sống.
Nói “thêm” là vì, từ năm 2015, Masan đã mua lại 52% cổ phần của Công ty Cổ phần Việt – Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Proconco), và 70% cổ phần ANCO – chính là công ty tới năm 2016 đã mua lại Vissan.
Proconco hiện có năng lực sản xuất đạt 1,4 triệu tấn/năm, với 7 nhà máy, doanh thu hơn 20.500 tỷ đồng mỗi năm. Với Proconco, Masan đã trở thành nhà sản xuất cám chăn nuôi lớn thứ 3 Việt Nam, với việc nắm hơn 8% thị phần thị trường này.
Tới đầu năm 2018, Masan Nutri – Science (MNS) – một công ty con do Masan mua lại và đổi tên cũng từ năm 2015 – sẽ khánh thành nhà máy chế biến thịt mát công suất 140.000 tấn/năm đặt tại Hà Nam, và đưa vào thị trường nội địa sản phẩm thịt mát. Trước đó, Masan công bố sẽ thuê các hộ chăn nuôi lớn tại Nghệ An nuôi lợn thành phẩm cho nhà máy chế biến thịt mát tại Nghệ An, trên cơ sở nguồn con giống do Massan cung cấp.
“Tiêu chuẩn Việt Nam dành cho thịt mát định nghĩa đây là loại thịt lợn ngay sau khi giết mổ được qua quy trình làm mát để đạt nhiệt độ tâm sản phẩm ở phần thịt dày nhất đạt từ 0 – 4 độ C trong thời gian từ 16 đến 24 giờ. Lợn nguyên liệu, theo Tiêu chuẩn Việt Nam này, phải có nguồn gốc và do cơ quan kiểm tra thú y xác nhận, lợn không được vận chuyển liên tục quá 8 giờ, được nghỉ ngơi ít nhất 6h trước khi giết mổ. Lợn nguyên liệu làm thịt mát phải được làm ngất trước khi giết mổ”.
Như vậy, tới cuối năm 2018, Masan đã gần như hoàn tất những mảng đầu tư lớn nhất cho sản phẩm thịt mát mang thương hiệu của doanh nghiệp này. Đó là chuỗi khép kín từ con giống, vùng chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, chế biến và phân phối.
Sản phẩm thịt mát mang thương hiệu Masan sẽ bán trên thị trường vào cuối năm 2018, trùng hợp với thời gian Tiêu chuẩn thịt mát Việt Nam được ban hành. Việc triển khai những mảng đầu tư này của Masan đã kéo dài vài năm, với “trình tự” nhịp nhàng, và tổng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng lợi ích đạt được từ đây, thì chắc chắn vượt xa con số đầu tư.
Đó không chỉ là việc trở thành nhà sản xuất thức ăn gia súc thứ 3 Việt Nam, mà còn là việc trở thành nhà sản xuất đầu tiên tại Việt Nam được công nhận đạt tiêu chuẩn thịt mát. Từ đó, chính thức tham gia vào việc “vẽ” lại và nắm giữ không dưới 5% thị trường thịt quốc gia có trị gia ước tính 18 tỷ USD.
Thực ra, chọn thịt mát để đột phá vào thị trường thịt quốc gia của Masan là đầy tính toán, và rất chính xác. Từ lâu nay, người tiêu dùng Việt vẫn quen với sử dụng thịt nóng (thịt tươi), và thịt cấp đông. Và mọi cạnh tranh quyết liệt trên thị trường thịt đều xoay quanh hai sản phẩm thực phẩm này.
Không phải thị trường Việt Nam không có khả năng sản xuất thịt mát, mà ngược lại. Trước Masan nhiều năm và ngay thời điểm hiện tại, đã có nhiều nhà cung ứng đáp ứng được yêu cầu sản xuất, lưu trữ trong dải từ 0 – 4 độC, sử dụng trong 5 ngày dành cho thịt mát.
Tuy nhiên, do chưa có Tiêu chuẩn Việt Nam, mà chưa có sản phẩm nào được công nhận là thịt mát, cũng thiếu hẳn các kênh tuyên truyền tới người sử dụng về lợi thế rất lớn của thịt mát với hai loại sản phẩm thịt nóng, thịt đông lạnh truyền thống. Thịt mát, do đó, đã xa lạ với chính người tiêu dùng trong nước vì sự chậm trễ này. Và Masan đã chọn đúng “vùng khuất” này để giải bài toán đầu tư, thị trường.
Vì rõ ràng, cùng lúc với việc ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam dành cho thịt mát được ban hành, cũng là lúc sản phẩm thịt mát của Masan được “ra đời”, và định vị như là sản phẩm thương hiệu lớn, an toàn, thậm chí có thể được bán chính trong hệ thống của Vissan.
Lợi thế doanh nghiệp đầu tiên được công nhận và cung cấp sản phẩm thịt mát có thương hiệu của doanh nghiệp lớn, đặc biệt là đúng chuẩn… cho phép Masan dù đi sau, nhưng lại là doanh nghiệp đến trước trên thị trường thịt mát quốc gia. Thị trường mới này, thực ra, lại là sản phẩm tương lai, chủ lực, trong vài chục năm tới, khi hệ thống kiểm soát chặt chẽ sẽ khiến giảm dần sản lượng thịt nóng vốn cực khó quản lý về nguồn gốc và an toàn.
Chọn đúng hướng đi, với sản phẩm thịt mát, không quá lời khi nói Masan đã triển khai quá tốt kế hoạch “vẽ lại” thị trường thịt quốc gia.
“Theo lẽ thường tình, chúng ta lẽ ra phải hoãn lại kế hoạch tung sản phẩm thịt mát (fresh chilled meat) ra thị trường. Nhưng nếu hoãn lại thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội cung cấp những giá trị mà chúng ta cam kết cho người tiêu dùng. Cơ hội này có thể sẽ không còn nữa.
Tương lai và tầm nhìn của Masan Nutri-Science là thịt và các sản phẩm từ thịt. Đây là mảng kinh doanh mà chúng ta có thể xây dựng một thương hiệu thịt sạch và độc đáo nhằm phụng sự người tiêu dùng trực tiếp. Thịt sẽ giúp chúng ta giảm rủi ro theo tính chất chu kỳ của giá gia súc và thay đổi mô hình tài chính của chúng ta. Hành trình hiện thực hóa giấc mơ thịt sạch của chúng ta sẽ thật sự khởi đầu vào cuối năm 2018 khi chúng ta tung ra sản phẩm thịt có thương hiệu đầu tiên”.
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang viết trong Báo cáo thường niên năm 2017.
Theo Quốc Trương/Thương Gia