Đây là nội dung được cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định về việc cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, để quản lý và tăng tỉ lệ thông tin tích cực trên môi trường mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ nhất, định hướng, chỉ đạo trực tuyến mạng lưới trang tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có lượng người truy cập lớn với các mạng xã hội, các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng lưới trang thông tin điện tử và mạng xã hội có người truy cập lớn.
Thứ hai, quản lý người nổi tiếng trên mạng: Xây dựng Quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sỹ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục vào tháng 10/2023.
Thứ ba, tổ chức Hội nghị kết nối với các mạng lưới đa kênh và các người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên mạng vào tháng 5/2023.
Thứ tư, điều hướng dòng tiền quảng cáo xuyên biên giới vào các cơ quan báo chí chính thống, các nền tảng nội dung số, website, các kênh, tài khoản đã được cấp phép hoặc có đăng ký hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông (quảng cáo trên white list, chặn quảng cáo black list). Dự kiến hoàn thành tháng 12/2023.
Thứ năm, duy trì đấu tranh buộc các nền tảng xuyên biên giới: Chặn, gỡ thông tin xấu độc với tỷ lệ đáp ứng cao (90-95%), thời gian xử lý sau 24 giờ; khóa các trang, kênh vi phạm nghiêm trọng; phát triển thuật toán để chặn hiệu quả các quảng cáo sai sự thật; gỡ các game không phép trên Google Store và Apple Store.
Thứ sáu, kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới: Thí điểm giám sát, kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có Văn phòng tại Việt Nam vào tháng 9/2023…
Tuệ Minh