Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã nhiều lần báo cáo Chính phủ nên chuyển gói hỗ trợ lãi suất 2% lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực đang dôi dư.
Khó triển khai gói tín dụng 2%
Tại cuộc họp Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công sáng 13/4, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao cho năm 2023, NHNN được giao 24.283 tỷ đồng (số vốn NHNN được giao chiếm đa số trong tổng số vốn giao cho 17 bộ, ngành cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 1).
Trong số này, chỉ có 318,9 tỷ đồng là bố trí cho thực hiện công trình xây dựng cơ bản của ngành ngân hàng, gồm: Xây dựng Nhà máy In tiền quốc gia và 2 công trình nhà ở của 2 trường Đại học ở Hà Nội và Tp.HCM. Đối với số vốn này, NHNN đã giải ngân được hơn 9%, vượt kế hoạch quý I/2023.
Số vốn còn lại 23.965 tỷ đồng là nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, nằm trong gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng phục hồi sau dịch Covid-19.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, quá trình giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% “không được như mong muốn” bởi nhiều nguyên nhân như do quy định chưa sát, điều kiện thực tiễn đã thay đổi,…
“Sau hai năm thực hiện, tổng giải ngân mới được 330/40.000 tỷ đồng. NHNN đã nhiều lần báo cáo nên chuyển nguồn này sang các chính sách khác, những lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực đang dôi dư”, ông Tú cho hay.
Lãnh đạo NHNN cho biết, Nghị quyết 43 quy định tiêu chí cứng là “có khả năng phục hồi” – đây là điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi này. Tuy nhiên, cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều rất khó xác định thế nào là “có khả năng phục hồi” cho nên rất khó thực hiện.
Trao đổi nội dung này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại là giải pháp thông minh, sáng tạo. Nếu thực hiện thành công, nguồn tiền sẽ nhanh tới doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, đây là tiền ngân sách, đòi hỏi thủ tục phải chặt chẽ. Tiêu chí điều kiện “doanh nghiệp có khả năng phục hồi” rất trừu tượng, khó đánh giá, nên quá trình triển khai đã nảy sinh vướng mắc.
Phó Thủ tướng đề nghị NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại để “giải ngân tối đa có thể” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. “Nếu chuyển sang sử dụng cho chính sách khác thì phải làm rõ chính sách gì để đề xuất phương án cụ thể”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu.
Trách nhiệm của người đứng đầu
Năm nay, kế hoạch đầu tư công của cả nước khoảng 711.000 tỷ đồng, hiện đã phân bổ trên 700.000 tỷ (còn trên 4.000 tỷ chưa phân bổ). Kết quả giải ngân quý I/2022 cho thấy, về tỉ lệ giải ngân thấp hơn một chút so với năm 2022, nhưng số giải ngân tuyệt đối cao hơn gần 12.000 tỷ đồng (khoảng 19%).
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 5 tổ công tác để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để cuối năm đạt mục tiêu đề ra. Tổ công tác số 1 kiểm tra 17 bộ ngành cơ quan trung ương và 17 địa phương.
Theo Phó Thủ tướng, tổng số vốn đầu tư công được giao cho 17 bộ, cơ quan trung ương thuộc tổ công tác số 1 không lớn (chỉ chiếm khoảng 5% tổng số vốn đầu tư công của cả nước). Nhưng nhiệm vụ được giao thì phải nỗ lực hoàn thành để góp phần vào kết quả chung của cả nước.
Bày tỏ chưa hài lòng trước thực tế hết quý I/2023 tiến độ giải ngân của các bộ ngành, cơ quan trung ương thuộc Tổ công tác số 1 “rất chậm, tỉ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí có cơ quan chưa giải ngân”, Phó Thủ tướng yêu cầu, đại diện các bộ ngành, cơ quan phải trao đổi thẳng thắn, nêu rõ khó khăn, vướng mắc ở chỗ nào, khâu nào, để làm rõ trách nhiệm và có giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, nguyên nhân chính của việc giải ngân chậm tại 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương là do công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, dẫn đến phân bổ vốn chưa xong, tỉ lệ giải ngân đạt rất thấp. Ông đề nghị các bộ ngành phải đặc biệt lưu ý vấn đề này để rút kinh nghiệm.
“Vốn đã có mà không giải ngân được, thì dòng tiền, thanh khoản của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng. Nếu để “tích tiểu thành đại”, đọng vốn nhiều sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế và chính sách tài khóa, tiền tệ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các bộ ngành, cơ quan trung ương phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Phải xác định rõ, đây là trách nhiệm của người đứng đầu.
Nguyễn Thu Huyền