Đại diện SFSI nhấn mạnh việc tạo ra các trung tâm hoạt động như chợ đầu mối để giải quyết vấn đề trong từng khâu và thu hẹp chi phí trung gian sản xuất.
Chiều ngày 25/4, sự kiện bên lề với chủ đề: “Cụm công nghiệp hướng tới chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững tại Việt Nam” đã được diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững.
Tại sự kiện, ông Gunther Beger – Giám đốc điều hành UNIDO đánh giá Việt Nam đã có sự phát triển đáng ghi nhận trong lĩnh vực sản xuất lương thực, thực phẩm. Với mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Việt Nam cần đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của nhiều thị trường khó tính trên quốc tế.
Theo đại diện của UNIDO, hợp tác cụm đóng vai trò rất quan trọng với nhà nhà chế biến, nhấn mạnh sự tham gia của các tổ chức khác nhau trong phạm vi của Liên hợp quốc trong vấn đề này.
Theo ông Nguyễn Anh Phong – Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn, thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi ấn tượng về mặt chính sách, trong số đó phải kể đến sự quan tâm đến Đồng bằng Sông Cửu Long.
Ông Phong chia sẻ, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm Việt Nam với sự tham gia của các bên liên quan, trong khuôn khổ đối tác công tư PPP. Trung tâm có các tổ công tác kỹ thuật cho từng nhóm ngành như: Lúa gạo, cà phê, gia vị, trái cây, rau quả.
Theo ông Chris Hogg – Phó Chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông Khu vực châu Á, châu Đại Dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé, dù có nhiều cơ hội phát triển nhưng doanh nghiệp ngành nông nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều sức ép. Điều đó càng để khẳng định sự chắc chắn trong chuyển đổi số.
Ông Chris Hogg chia sẻ, vấn đề còn tồn tại hiện nay là chúng ta phải làm việc với nông dân khi áp dụng phương thức nông nghiệp mới – đôi khi đi ngược lại với những tập quán canh tác truyền thống. Chính vì vậy, ngoài việc đưa ra khẩu hiệu, việc cần làm là có những chương trình hỗ trợ về khoa học công nghệ, thúc đẩy sản xuất tập trung. Điều này đòi hỏi những hướng đi cụ thể, đem lại lợi ích rõ ràng cho người nông dân.
Ví dụ trong câu chuyện cam kết phát thải ròng bằng 0, phải để người dân hiểu, nếu làm được điều này sẽ đảm bảo, giúp ích cho sinh kế của họ. Như việc nếu sử dụng phân bón hữu cơ thì đất sẽ phì nhiêu, màu mỡ, cây trồng đạt năng suất cao hơn.
Để làm được điều này, khi đầu tư vào nông nghiệp, nông dân cần có sự rõ ràng, mạch lạc, kết hợp đồng bộ từ các cấp.
Với vai trò đại diện cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm việc tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA) cho biết, để xây dựng các cụm nông nghiệp cần có chuỗi giá trị với sự hiện diện của nhiều bên liên quan, từ trồng trọt, chăn nuôi, logistics, kiểm định, chế biến.
Hiện nay tại Việt Nam có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung lớn như Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
Theo quan điểm của bà Hương, nếu tại các vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn đó có thể xây dựng các cụm công nghiệp nông nghiệp sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách về hệ thống lương thực thực phẩm của ngành.
“Việc đầu tư theo chuỗi rất quan trọng nhất là khi khu vực tư nhân dẫn dắt với sự hỗ trợ của khu vực công. Cùng với đó là sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính từ các tổ chức quốc tế”, bà Hương cho hay.
Bên cạnh đó, bà Hương cũng nêu ra thực tế hiện nay còn rất nhiều mô hình sản xuất nhỏ lẻ tại Việt Nam. Chính vì vậy nếu có sự hỗ trợ từ Chính phủ, sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế sẽ có thể giúp doanh nghiệp nhận được nhiều sự hỗ trợ, kết nối.
Từ đó, bà Lan Hương kiến nghị, cần sớm có những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích người trẻ tham gia trực tiếp vào nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực.
Cũng tại sự kiện, ông David Butler, Giám đốc Tổ chức lương thực bền vững Ireland (SFSI) đã có phần trao đổi ý kiến về lộ trình xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam.
Theo đó, đại diện SFSI nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra các trung tâm hoạt động với hình thức như chợ đầu mối để góp phần giải quyết vấn đề trong từng khâu, thu hẹp chi phí trung gian, hỗ trợ vốn và chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Làm sao để giảm nhẹ chi phí giao dịch bằng áp dụng công nghệ. Chi phí vốn và chi phí kinh doanh khi không có đầy đủ nên nhận được sự hỗ trợ”, ông David đặt vấn để.
Song song với đó, ông David Butler tham vấn Việt Nam cần xác định nguồn lực tài chính cho việc xây dựng các cụm công nghiệp nông nghiệp. Tiếp đến là quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ và chia sẻ dữ liệu. Xác định nguyên tắc theo hình thức cộng sinh hỗ trợ lẫn nhau đưa ngành nông nghiệp tiến về phía trước.
Nguyễn Phương Anh