Lợi nhuận quý I/2023 của VEAM chủ yếu đến từ các công ty liên doanh, liên kết như Honda, Toyota, Ford, đồng thời công ty đem một nửa tài sản gửi ngân hàng lấy lãi.
Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM – mã: VEA) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với doanh thu thuần đạt 1.010 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với cùng kỳ.
Trong đó, giá vốn bán hàng giảm 12% xuống 873 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp quý này của công ty chỉ đạt hơn 137 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với quý I năm ngoái.
Doanh thu tài chính của doanh nghiệp tăng 43% lên 252 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi tăng cao. Hoạt động liên doanh, liên kết đem lại 1.175 tỷ đồng, giảm 11% còn mục hoạt động khác lỗ gần 3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí tài chính của công ty tăng gấp 8 lần lên 16 tỷ đồng do lãi vay tăng, còn các chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp gần như không biến động nhiều trong 3 tháng đầu năm. Sau khi khấu trừ các chi phí, VEAM báo lãi sau thuế gần 1.372 tỷ đồng và lãi thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.359 tỷ đồng, đều giảm 7% so với cùng kỳ.
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) được thành lập ngày 12/5/1990. VEAM trực thuộc Bộ Công Thương quản lý các đơn vị thành viên được thành lập trước đó.
Công ty mẹ VEAM hiện đầu tư vốn tạo 25 đơn vị bao gồm các đơn vị trực thuộc (chi nhánh), công ty con và công ty liên kết. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất lắp ráp và kinh doanh ô tô, đúc chi tiết chế tạo máy, thương mại… song phần lớn lợi nhuận hàng năm của VEAM lại đến từ các công ty liên doanh liên kết.
Thời điểm cuối quý I/2023, VEAM đang nắm giữ 30% vốn góp tại Công ty Honda Việt Nam, 20% tại Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và 25% tại Công ty TNHH Ford Việt Nam – đều là những hãng xe có lượng tiêu thụ hàng đầu tại Việt Nam.
Cuối quý I/2023, VEAM đầu tư 8.002 tỷ đồng vào 8 công ty liên doanh liên kết. Trong đó, 6.215 tỷ đồng vào Công ty Honda Việt Nam và 1.002 tỷ đồng vào Công ty ô tô Toyota Việt Nam, Công ty TNHH Ford Việt Nam (704 tỷ đồng) là 3 đơn vị được VEAM rót vốn nhiều nhất.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của VEAM đạt 28.413 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, chiếm tỉ trọng lớn nhất là khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn với 14.735 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng đã chiếm 51% tổng tài sản, tăng 17% lên trong 3 tháng đầu năm. Kế đến là mục hàng tồn kho giảm 2% xuống 1.508 tỷ đồng, trong đó, dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 399 tỷ đồng.
Về cơ cấu nợ, tổng nợ phải trả của VEAM đạt hơn 1.818 tỷ đồng, giảm hơn 400 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm tới 44% tổng nợ, cũng ghi nhận mức giảm 20% so với hồi đầu năm xuống còn 807 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết quý I/2023 đạt 13.065 tỷ đồng.
Phạm Hồng Nhung