Trước tình hình khó khăn về đầu ra thị trường, giá cả xuống thấp, các nhà vườn chỉ còn cách trông chờ vào mùa vụ năm sau và thị trường xuất khẩu.
Giá nhiều trái cây lại bất ngờ giảm mạnh
Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Văn Hùng (36 tuổi, ngụ ở xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết, gia đình anh trồng hơn 80 công xoài, chủ yếu là xoài keo (xoài keo là giống xoài được nhập khẩu từ vùng Tà Keo của Vương quốc Campuchia). Hiện nay, giá xoài kèo giảm, chỉ còn khoảng 3.000 đồng/kg nên còn khoảng 40 tấn, xoài keo chưa bán.
“Hơn một tháng trước, thương lái đến tại vườn thu mua với giá khoảng 14.000 đồng/kg. Giờ chỉ còn khoảng 3.000 đồng/kg. Với giá này bán sẽ lỗ nên gia đình của anh đang ngóng đợi giá xoài tăng chút đỉnh mới bán” – anh Hùng ngậm ngùi.
Tương tự chỉ trong vòng hơn một tuần, các nhà vườn ở tỉnh Trà Vinh tiếp tục lao đao thua lỗ nặng vì giá một số loại trái cây cam sành, xoài, bưởi bị rớt giá, nhất là cam sành và xoài Đài Loan, xoài Thái Lan giảm xuống mức từ 2.000-4.000 đồng/kg.
Ông Tô Văn Nghĩa, nhà vườn ở xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cho biết chưa có năm nào giá trái cây bị rớt giá xuống mức “thê thảm” như năm nay.
Thông tin thêm trên TTXVN, chỉ cách đây 10 ngày, giá cam sành bán tại vườn 5.000 đồng/kg, nhưng hiện tại nhà vườn phải tự thu hoạch đưa đến chủ vựa và bán với giá từ 2.000-4.000 đồng/kg tùy theo chất lượng trái.
Theo ông Tô Văn Nghĩa, bình quân cây cam sành từ ba năm tuổi trở lên cho năng suất trái khoảng 110 tấn/ha/năm. Khoảng chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực cho cây cam sành cho trái mỗi mùa thu hoạch tốn kém từ 40 triệu-50 triệu đồng/ha.
Với giá cam sành như hiện thời, các nhà vườn xem như trắng tay, thua lỗ khoản đầu tư cây giống, phân thuốc và công lao động chăm sóc hai năm ròng rã để cây cam sành cho trái.
Ông Nguyễn Văn Bé, ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè đang có một ha vườn xoài cát chu và xoài Đài Loan đang thu hoạch. Ông Bé chia sẻ trong đời làm vườn hơn 10 năm nay, ông chưa từng bị thua lỗ vườn xoài nặng nề.
Vào đầu tháng Năm, giá xoài cát chu loại 1 còn được thương lái mua vào 12.000-13.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với cuối tháng Tư. Nhưng nay, giá xoài cát chu chỉ còn từ 5.000-7.000 đồng/kg.
Riêng xoài xanh Đài Loan và xoài xanh Thái Lan chỉ còn 2.000 đồng/kg và phải mang lên tận vựa để bán. Ông Bé nhẩm tính, mùa xoài năm nay, gia đình lỗ trên 40 triệu đồng.
Tỉnh Trà Vinh có khoảng 19.000ha cây ăn trái các loại được trồng tập trung tại các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long, Châu Thành. Huyện Cầu Kè là địa phương có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất của tỉnh, với hơn 8.000ha. Trong đó, diện tích trồng cam chiếm hơn 2.000ha, cho sản lượng bình quân khoảng 70.000 tấn/năm; diện tích vườn xoài gần 740ha, cho sản lượng gần 1.500 tấn/năm.
Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang, chỉ trong một thời gian ngắn, giá sầu riêng đã quay đầu giảm mạnh, từ mức 130.000 đồng/kg xuống còn khoảng 50.000 đồng/kg.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Phạm Thanh Nhã, hộ nông dân trồng sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho hay, đối với sâu riêng RI6 hiện được thương lái thu mua tại vườn (mua xô) có giá chỉ còn 50.000 đồng/kg.
Giá một số loại trái cây giảm mạnh, nhà vườn thất thu: Cần làm gì để giải “bài toán khó”
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nhiều loại trái cây của Việt Nam thời gian qua thường rơi vào cảnh “được mùa mất giá” do tính mùa vụ cao của các sản phẩm này, thêm vào đó lại phát triển “nóng” đúng lúc thị trường biến động mạnh. Cuối năm ngoái, khách hàng nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu theo hình thức truyền thống. Hơn nữa, những loại trái cây đang rớt giá là những sản phẩm chưa được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Trước tình hình khó khăn về đầu ra thị trường, giá cả xuống thấp, các nhà vườn chỉ còn cách trông chờ vào mùa vụ năm sau và thị trường xuất khẩu trái cây không khó khăn như năm nay. Cùng với đó, nhà vườn cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương giới thiệu, tổ chức cho nhà vườn kết nối cùng các hợp tác xã tìm nguồn tiêu thụ trái cây ổn định với giá tốt hơn từ các chủ vựa, cơ sở thu mua lớn ngoài tỉnh.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên Lao Động, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, nhà nghiên cứu kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói rằng: Sau hơn 1 năm, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL, đến nay, chưa có tỉnh, thành nào ở ĐBSCL đã được phê duyệt hay công bố quy hoạch của tỉnh dựa trên quy hoạch vùng. Do đó, khi lợi nhuận mang lại của cây ăn trái (sầu riêng, xoài) mang kinh tế cao hơn nhiều so với các cây trồng khác nên người nông dân đang ồ ạt chặt đốn cây trồng khác để trồng cây sầu riêng, cầy xoài theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa. Chính vì thế, nếu chạy theo giá cả ở một thời điểm nào đó mà không đầu tư theo chiều sâu thì nông dân giống như đang “chơi một canh bạc”.
“Việc phát triển cây ăn trái (cây sầu riêng, cây xoài,..) không phải là cái sai nhưng phải được tính toán trong một bài toán về cung cầu làm sao đảm bảo sản phẩm làm ra có địa chỉ tiêu thụ. Nó đòi hỏi bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống lâu nay chỉ nhìn ở lợi thế vùng trồng chuyển sang kinh tế nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp phải tiêu thụ được và người nông dân có lời” – tiến sĩ Trần Hữu Hiệp nhận định.
Cũng theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, để phát triển nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển Quy hoạch vùng ĐBSCL thì các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ và khẩn trương cụ thể hóa quy hoạch của mình dựa trên quy hoạch vùng ĐBSCL và gắn kết với lợi thế từng của 3 vùng bao gồm: Vùng sinh thái ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng, vùng sinh thái mặn – lợ ở ven biển và vùng chuyển tiếp ngọt lợ ở giữa đồng bằng.
Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư chế biến để đa dạng sản phẩm, việc phát triển các vùng trồng phải đảm bảo cân đối, gắn liền với hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics vào những cụm chế biến.
Theo Vietnamnet, chia sẻ tại họp báo về Hội chợ Xuất khẩu Tp.HCM lần đầu tiên, chiều 17/5, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết 4 tháng đầu năm 2023, rau quả là một trong những ngành có giá trị xuất khẩu tăng trưởng tốt (đạt 1,39 tỷ USD – pv), tăng gần 20% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Nhật, Trung Quốc, Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc… Trái cây Việt đã đạt được nhiều tiêu chí ở các thị trường khác nhau. Cần hiểu rằng, mỗi thị trường nhập khẩu là một sân chơi, trái cây xuất sang Mỹ chưa chắc đã vào được EU. Tương tự, hàng vào EU không có nghĩa là vào được Trung Quốc. Ví dụ, Mỹ quy định mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp, đơn vị xuất khẩu không được vi phạm. Nước bạn cũng chỉ cho nhập khẩu những loại trái cây đã được đàm phán song phương, không phải tất cả. Muốn được phép xuất khẩu một trái cây cũng sẽ phải xin trong nhiều năm. Cuối năm ngoái, trái bưởi Việt vào được thị trường Mỹ sau 8 năm đàm phán, hiện, loại quả này đang rất thành công ở thị trường nước bạn. |
Trúc Chi (t/h)