Đó là góp ý của VCCI đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản.
Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và các hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời công văn số 2314/BTNMT-KSVN của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Khai thác khoáng sản vượt công suất
Theo VCCI, dự thảo sửa đổi Nghị định 158/2016/NĐ-CP dự định yêu cầu doanh nghiệp phải điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản khi có nhu cầu nâng công suất khai thác từ 15% trở lên. Điều 41 của Nghị định 36/2020/NĐ-CP dự kiến xử phạt với hành vi khai thác vượt công suất từ 15% trở lên.
Hiện nay, việc doanh nghiệp xác định công suất khai thác theo từng thời điểm phụ thuộc nhiều vào diễn biến cung cầu trên thị trường. Nếu nhu cầu của thị trường giảm giá xuống, doanh nghiệp có xu hướng giảm công suất khai thác. Ngược lại, khi nhu cầu tăng hoặc khi nhà cung cấp khác dừng khai thác, doanh nghiệp sẽ phải tăng công suất. Việc tăng công suất trong trường hợp này có lợi cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế vì nó giúp đáp ứng nhu cầu của thị trường, bù đắp cho sự sụt giảm công suất từ nhà cung cấp khác và giúp giá không tăng quá cao. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật của thị trường.
Có thể suy đoán rằng, cơ quan Nhà nước lo ngại việc doanh nghiệp tăng công suất khai thác có thể dẫn đến nguy cơ tổng sản lượng vượt quá trữ lượng và/hoặc tăng các tác động môi trường của việc khai thác khoáng sản. Lo ngại này có cơ sở, nhưng hoàn toàn có thể được khắc phục bằng các biện pháp khác. Ví dụ, tăng cường thanh kiểm tra giám sát sản lượng, tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường (như phun nước dập bụi). Chỉ riêng đối với trường hợp khai thác nước khoáng, nước nóng, cát sỏi lòng sông thì việc tăng công suất mới có tác động đáng kể mà không có biện pháp khắc phục hiệu quả.
Với các lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án bỏ quy định xử phạt khi doanh nghiệp khai thác vượt công suất, trừ trường hợp đối với nước khoáng, nước nóng và cát sỏi lòng sông. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ phải thông báo đến cơ quan Nhà nước về việc tăng công suất kèm với báo cáo đầy đủ về sản lượng và biện pháp bảo vệ môi trường đi kèm.
Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ công trình, dự án quan trọng quốc gia
Điều 53b của dự thảo sửa đổi Nghị định 158/2016/NĐ-CP dự định sẽ cho phép nhà đầu tư hoặc nhà thầu các công trình, dự án quan trọng quốc gia được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ dự án mà không thông qua đấu giá, không cần làm thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, thủ tục đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường. Đây là biện pháp cần thiết giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án này.
Tuy nhiên, Điều 53b.5 có yêu cầu chỉ nhà đầu tư hoặc nhà thầu trực tiếp thi công dự án mới được thực hiện việc này mà không được phép thuê hay hợp tác với đơn vị khác để làm. Điều này có thể khiến cho việc khai thác khoáng sản được thực hiện bởi các đơn vị không chuyên, thiếu kinh nghiệm, làm gia tăng nguy cơ tai nạn, ô nhiễm môi trường, giảm khả năng khai thác hiệu quả. Nếu cho phép các nhà đầu tư, nhà thầu này được thuê hoặc liên kết với các đơn vị chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thì sẽ mang lại hiệu quả khai thác tốt hơn.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh Điều 53b.5 theo hướng cho phép nhà đầu tư, nhà thầu được thuê hoặc hợp tác với đơn vị khác để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhưng phải bảo đảm việc giám sát sản lượng để khoáng sản đó chỉ được dành cho công trình, dự án quan trọng quốc gia.
Thời điểm thông báo kế hoạch đấu giá
Điều 14.3 của dự thảo sửa đổi Nghị định 22/2012/NĐ-CP đã có quy định về đăng công khai kế hoạch đấu giá trên website của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, Điều này chưa có quy định về thời điểm công khai. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định thời điểm công khai thông tin sớm để doanh nghiệp có đủ thời gian cân nhắc, chuẩn bị tham gia đấu giá.
Điều 18 của dự thảo sửa đổi Nghị định 22/2012/NĐ-CP quy định việc niêm yết thông tin đấu giá phải được thực hiện ít nhất 15 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá. Điều 17.2 của dự thảo sửa đổi Nghị định 22/2012/NĐ-CP quy định thời gian nộp hồ sơ tham gia đấu giá là kể từ ngày niêm yết đến trước ngày mở cuộc đấu giá 15 ngày làm việc. Như vậy, hoàn toàn có thể diễn ra tình trạng ngày bắt đầu niêm yết cũng là ngày cuối cùng nhận hồ sơ tham gia đấu giá. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận cuộc đấu giá.
Theo kinh nghiệm trong quản lý đấu giá, đấu thầu, khoảng thời gian từ khi thông báo mở bán hồ sơ cho đến khi hết hạn nhận hồ sơ quá ngắn là một trong những biện pháp thường được sử dụng để thao túng cuộc đấu giá, đấu thầu. Do đó, pháp luật cần phải bảo đảm khoảng thời gian này đủ dài để nhiều doanh nghiệp có thể tham gia. Điều này lại càng quan trọng trong lĩnh vực khoáng sản vì đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, doanh nghiệp cần có thời gian tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định trả giá.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về các mốc thời gian tiến hành đấu giá như sau: Việc thông báo, niêm yết thông tin phải được thực hiện ít nhất 30 ngày trước ngày bắt đầu nhận hồ sơ, hoặc 60 ngày trước ngày hết hạn nhận hồ sơ.
Tài liệu thông báo, niêm yết phải được duy trì liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi có kết quả đấu giá. Các tài liệu này không được thay đổi, điều chỉnh và phải được lưu trữ nguyên vẹn.
Thời gian nhận hồ sơ kéo dài ít nhất 30 ngày để các doanh nghiệp có đủ thời gian cân nhắc tham gia.
Thời điểm kết thúc nhận hồ sơ từ 02 đến 05 ngày trước khi mở phiên đấu giá.
Điều 20 của dự thảo sửa đổi Nghị định 22/2012/NĐ-CP đã quy định về nội quy cuộc đấu giá, nhưng chưa có quy định về việc phải công khai hay cung cấp nội quy này cho người tham gia đấu giá. “Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc công khai nội quy cuộc đấu giá và phải được cung cấp cho người tham gia đấu giá khi mua hồ sơ”, VCCI kiến nghị.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 22/2012/NĐ-CP chưa có quy định xử lý trong trường hợp đấu giá không thành. Kinh nghiệm của các lĩnh vực đấu giá tài sản khác cho thấy, nếu không có hướng xử lý tốt thì các trường hợp đấu giá không thành có thể kéo dài vô thời hạn, gây khó khăn và tốn kém không cần thiết. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định xử lý trong trường hợp đấu giá không thành. Cơ quan soạn thảo có thể tham gia khảo quy định của việc đấu giá tài sản thi hành án, theo đó, sẽ tổ chức đấu giá lại với giá khởi điểm giảm 10% so với lần trước đó.
Điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Điều 10.1 của dự thảo sửa đổi Nghị định 67/2019/NĐ-CP quy định việc điều chỉnh tiền cấp quyền khi giảm trữ lượng do trả lại giấy phép, trả lại diện tích, và tăng trữ lưỡng khi thăm dò bổ sung hoặc sản lượng khai thác thực tế lớn hơn trữ lưỡng. Như vậy, trường hợp doanh nghiệp thăm dò lại mà trữ lượng tăng thì được điều chỉnh, nhưng trữ lượng giảm lại không được điều chỉnh. Đây là quy định không hợp lý và bất lợi lớn cho các doanh nghiệp.
Trên thực tế, không ít mỏ khoáng sản được thăm dò từ lâu, trong điều kiện công nghệ thăm dò và tính toán trữ lượng chưa thực sự chính xác, dẫn đến sai số lớn. Việc sử dụng con số này làm cơ sở để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng không có tiền để nộp, buộc phải dừng sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và lãng phí tài nguyên quốc gia. Đến nay, khi trình độ công nghệ thăm dò tốt hơn, các doanh nghiệp có nhu cầu thăm dò lại để nâng cấp trữ lượng là điều cần thiết và nên làm. Quá trình này giúp cả Nhà nước và doanh nghiệp có thêm thông tin chính xác hơn về tiềm năng khoáng sản để từ đó có phương án khai thác, sử dụng và thu nộp các nghĩa vụ tài chính hợp lý hơn.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 10.1 theo hướng cho phép giảm trữ lượng trong cả trường hợp kết quả thăm dò nâng cấp có trữ lượng thấp hơn trữ lượng đã được phê duyệt.
Tuệ Minh