Hạ lãi suất điều hành chưa thể đem lại nguồn tiền dồi dào để bơm ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước nên tăng cung tiền thì lãi suất cho vay mới giảm.
Hỗ trợ doanh nghiệp – mục tiêu của hạ lãi suất
Nhận định về động thái hạ lãi suất điều hành trong những tháng vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, những chính sách tiền tệ và động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước khá linh hoạt, rốt ráo nhằm giải quyết các điểm nghẽn, khó khăn của việc tiếp cận và tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Việt, sau 3 lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm, đã có một phần tác động đến khía cạnh giảm lãi suất huy động, lãi suất tiền gửi của người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, một bộ phận người dân, doanh nghiệp đã thấy được rằng, nếu đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi nhuận vẫn có khả năng sinh lời cao hơn so với việc tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng thương mại hay “găm” tiền vào các tổ chức tài chính.
“Đây cũng là yếu tố khiến việc sản xuất kinh doanh được phục hồi, bằng chứng là trong tháng 4-5/2023, tỉ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã giảm xuống và những doanh nghiệp quay trở lại thị trường thì bắt đầu rục rịch tăng lên”, ông Việt phân tích.
Còn theo ý kiến của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc hạ lãi suất điều hành không nằm ngoài các mục tiêu trước đây là nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình hồi phục và tăng trưởng. Đây là mục tiêu cơ bản cho động thái giảm lãi suất điều hành vừa rồi.
“Ngoài ra, mục đích hỗ trợ và phát triển cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hồi phục, từ đó giúp phát triển kinh tế tốt hơn. Hy vọng từ nay đến cuối năm, nền kinh tế có thể tăng trưởng tốt hơn khi lãi suất giảm đi”, ông nói.
Cần tăng cung tiền mới giảm lãi vay
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tác động giảm lãi suất cho vay, phải cần giải đáp nhiều biến số.
Ông Việt dẫn báo cáo mới đây của Viện VEPR cho rằng, việc giảm lãi suất của Việt Nam hơi chậm so với tình hình thực tế. Nếu chúng ta làm sớm hơn ở thời điểm cuối năm 2022, lãi suất cho vay thực đã được giảm nhanh hơn.
“Còn ở thời điểm hiện tại, chúng ta cần thêm một thời gian quan sát để có thể khẳng định rằng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ hạ xuống. Vì sự lan toả từ việc giảm lãi suất điều hành đến lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại cần có độ trễ nhất định”, Phó Viện trưởng Viện VEPR khẳng định.
Việc giảm lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào những quy chuẩn riêng của ngân hàng như phân loại các đối tượng cho vay để có những đối sách và lãi suất cho vay phù hợp.
Vậy nên, TS Việt cho rằng nên để cho các ngân hàng – với khả năng tự chủ kinh doanh của mình sẽ quyết định ở thời điểm nào sẽ phù hợp trong việc giảm lãi suất cho vay và mức độ giảm với từng đối tượng cho vay.
Hạ lãi suất điều hành chưa thể đem lại nguồn tiền dồi dào để bơm ra thị trường bởi thực tế tăng trưởng cung tiền hiện đang rất eo hẹp, vòng quay của tiền chỉ còn 0,64 vòng/năm. Ngân hàng Nhà nước nên tăng cung tiền (in thêm tiền) để bơm ra nền kinh tế thì lãi suất cho vay mới giảm được.
Hạ lãi suất chưa phải điều kiện đủ
TS Nguyễn Quốc Việt cũng cho rằng, phải phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng các chính sách tài khóa và tiền tệ thì quyết định hạ lãi suất điều hành mới hiệu quả.
“Bởi nếu chính sách tài khóa vẫn đang tắc khi không giải quyết được vấn đề đầu tư công thì nguồn tiền đã được sắp xếp để giải ngân, đưa vào nền kinh tế nhằm hồi phục tăng trưởng theo đó bị tắc và không thể sử dụng. Đây cũng là một trong những yếu tố cản trở tính hiệu quả các chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước”, ông phân tích.
Theo ông Việt, hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng thời kì tiền rẻ trên thế giới đã kết thúc và ở Việt Nam, tiền rẻ (tiền có lãi suất thấp) cũng không thể dễ dàng huy động được, nhất là trong bối cảnh có nhiều biến số, ẩn số rủi ro từ góc độ vĩ mô cho đến các rủi ro liên quan đến các tổ chức tài chính, tín dụng và những khoản cho vay có nguy cơ nợ xấu cao như trong lĩnh vực trái phiếu.
“Và điều cuối cùng, chúng ta cần ổn định được tâm lý và niềm tin thị trường của cả người dân và doanh nghiệp để các hoạt động sản xuất, cầu tiêu dùng trong nước quay trở lại hoạt động bình thường. Hoặc chúng ta có thể phá được những rào cản và mở ra các cơ hội mới cho cầu xuất khẩu, thì lúc bấy giờ, tự khắc nền kinh tế sẽ hoạt động lại bình thường, nhu cầu và tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên”, ông Việt đề xuất.
Công ty chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cụ thể, sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất.
Vì vậy, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. Ngành sản xuất của chúng ta chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Theo đó, chúng ta có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đó. Bên cạnh đó, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023”, ACBS nhận định.
Lê Thanh Hồng