Thị trường bất động sản đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với mọi nền kinh tế và mô hình phát triển. Dù thị trường bất động sản Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển là rất lớn.
Tại Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam” do Bộ Xây dựng và Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 13/7, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản ở nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong tình trạng thanh khoản kém và nguồn cung rất hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu do các vấn đề pháp lý chưa được tháo gỡ và việc tiếp cận nguồn vốn bị hạn chế. Một số vụ việc xảy ra trong nửa cuối năm 2022 làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và nhìn chung. Một số vấn đề “căn cơ” của thị trường chưa được giải quyết (pháp lý, nguồn cung khan hiếm, mất cân đối cung cầu…).
Cụ thể, phân khúc bất động sản nhà ở có nhu cầu tăng trưởng, nhất là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp tăng mạnh, nhưng trong bối cảnh nguồn cung rất hạn chế.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 9 dự án với tổng số khoảng 18.768 căn, trong đó, nhà ở xã hội 6 dự án quy mô 7.730 căn, nhà ở công nhân 3 dự án quy mô 11.038 căn. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách, đến nay trên cả nước đã thực hiện giải ngân được trên 6.200 tỷ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Tuy nhiên, nguồn cung khá hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao; các phân khúc nhà ở chung cư phân khúc trung bình và nhà ở xã hội hầu như không phát sinh lượng tồn kho.
Hiện nay, lượng tồn kho bất động ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi và thuộc về nhà đầu tư thứ cấp.
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Khôi, nguồn cung và lượng tiêu thụ của phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố/shophouse tiếp tục giảm, chủ yếu do áp lực tăng lãi suất. Giá bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng có xu hướng giảm khoảng 5-6% so với cuối năm 2022.
Đối với phân khúc bất động sản bán lẻ và văn phòng, trong bối cảnh chung của nền kinh tế, nhu cầu thuê văn phòng, mặt bằng thương mại và công suất cho thuê đều có dấu hiệu suy giảm.
Ở phân khúc bất động sản khu công nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ lấp đầy có xu hướng duy trì ở mức khá cao, khoảng trên 78% ở các khu vực phía Bắc và phía Nam. Tại một số địa phương như TPHCM, Đồng Nai, Bắc Ninh, tỉ lệ lấp đầy đạt khoảng 87-90%.
Xu hướng của thị trường bất động sản thời gian tới
Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản đạt 4,45 tỷ USD, tăng 1,85 tỷ USD (70%) so với năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn FDI. Dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào phân khúc bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn.
Số liệu mới nhất từ Bộ KH&ĐT cho thấy, lũy kế đến ngày 12/7/2023, cả nước đã thu hút 67,161 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản. Trong đó, TPHCM là địa phương dẫn đầu với 16,3 tỷ USD, xếp sau là Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Phân theo đối tác thì Singapore dẫn đầu trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 19,1 tỷ USD; xếp sau lần lượt là Hàn Quốc, BritishVirginIslands và Nhật Bản.
Những con số trên khẳng định, thị trường Việt Nam có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng dự báo, thị trường bất động sản Việt Nam hết năm 2023 sẽ vần còn trầm lắng, chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn từ quý II hoặc quý III/2024 nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính…
Bên cạnh các phân khúc truyền thống (nhà ở, khu công nghiệp, nghỉ dưỡng, văn phòng…), dự báo sản phẩm trên thị trường bất động sản sẽ ngày càng đa dạng hơn, nhất là nguồn cung nhà ở sẽ gia tăng mạnh nếu Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tổ chức thực hiện tốt.
Dự báo của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra, đến năm 2025, tỷ trọng bất động sản/tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 21,2% (462,7 tỷ USD/ 2.183,09 tỷ USD) và đến năm 2030 là 22,0% (1.232,29 tỷ USD/ 5.601,31 tỷ USD).
Theo đó, dự báo từ 2023-2025, căn hộ chung cư sẽ là phân khúc chiếm tỷ trọng cao nhất của thị trường bất động sản nhà ở (chiếm khoảng 90% nguồn cung nhà ở thương mại). Phân khúc nhà biệt thự, liền kề cao cấp dự kiến khó có sự đột phá trong ngắn hạn. Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng, đặc biệt là các biệt thự ven biển sẽ tăng trưởng khả quan trong giai đoạn này…
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, để cụ thể hoá quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của ngành bất động sản trong nền kinh tế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị giải quyết những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất sửa đổi các quy định có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Hai dự án Luật này đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và đang tiếp tục hoàn thiện. Dự kiến, 2 dự thảo này sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 11/2023.
“Đây là 2 luật có ý nghĩa quan trọng và có tác động tích cực đến thị trường nhà ở, bất động sản, cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư, tạo sự minh bạch và ổn định cho thị trường nhà ở và bất động sản tại Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.
Hiền Minh