Nhiều bệnh viện khu vực phía Nam liên tục cảnh báo về tình trạng các tổ chức, cá nhân mạo danh thương hiệu làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ sở y tế.
Mạo danh bệnh viện lớn để quảng cáo, lừa đảo
Thời gian qua trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều chiêu trò lừa đảo, ăn cắp thông tin với mục đích trục lợi. Từ việc gọi điện, nhắn tin mạo danh bệnh viện, tinh vi hơn, những đối tượng này còn liên tục làm giả fanpage, tài khoản cá nhân để lừa đảo khiến không ít người dân mắc bẫy dẫn đến tiền mất, tật mang.
Liên quan đến vấn đề trên, nhiều cơ quan bệnh viện tại Tp.HCM liên tục cảnh báo về một số đối tượng đã làm giả fanpage, nhắn tin, gọi điện cho người dân để trục lợi. Đáng chú ý, số trang chủ của các bệnh viện tuyến Trung ương cũng đã bị nhiều cá nhân, phòng khám tư nhân, cơ sở thẩm mĩ lợi dụng danh tiếng, sử dụng từ khoá liên quan để tiếp cận, thu hút người có nhu cầu khám chữa bệnh.
Một trong những bệnh viện là nạn nhân bị ăn cắp thương hiệu nhiều nhất hiện nay là Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau khi bị hàng loạt cơ sở thẩm mỹ lấy tên là Thẩm mỹ Chợ Rẫy, Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy…, bệnh viện còn bị giả mạo cả trang fanpage.
Theo đó, thông tin từ bệnh viện cho biết, bệnh viện đang liên tục tiếp nhận các cuộc gọi và tin nhắn hỏi về việc tuyển dụng vị trí trưởng phòng điều dưỡng trên trang fanpage có tên “Đa khoa Chợ Rẫy”.
Bệnh viện khẳng định, đây là thông tin sai sự thật và fanpage Đa khoa Chợ Rẫy là giả mạo; đồng thời kêu gọi cộng đồng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho fanpage giả mạo trên để tránh bị lừa đảo.
Không chỉ có bệnh viện dân sự, cả bệnh viện quân đội cũng bị ăn cắp thương hiệu. Cụ thể, mới đây Bệnh viện Quân y 175 đã liên tục có các cảnh báo về tình trạng nhiều trang cá nhân, phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ sử dụng từ khóa liên quan đến bệnh viện như “Viện thẩm mỹ 175”, “Bệnh viện 175”… để quảng cáo và thu hút bệnh nhân.
Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Một loạt trang fanpage giả mạo ra đời đã ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa của trang fanpage chính thức của bệnh viện. Thậm chí, một số trang facebook giả mạo còn lợi dụng danh tiếng của bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 để gây nhầm lẫn, trục lợi.
Lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175 cho biết, việc mạo danh, giả mạo, lấy tên tuổi các bác sĩ và thương hiệu Bệnh viện Quân y 175 để trục lợi cá nhân, lừa đảo có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, thậm chí cả tính mạng người sử dụng dịch vụ; đồng thời làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện. Người dân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng để không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt, dẫn tới tiền mất tật mang.
Ông Huỳnh Lê Đức, Giám đốc hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn cho biết: “Mới đây chúng tôi đã phải gửi văn bản đến cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp đề nghị đính chính và xin lỗi về bài viết sai sự thật khi đưa thông tin Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đồng Tháp là chi nhánh của hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn”.
Theo tìm hiểu, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đồng Tháp chính thức khai trương đi vào hoạt động từ ngày 21/5 tại địa chỉ số 303, đường Phạm Hữu Lầu, Phường 6, Tp.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Do ông Nguyễn Văn Thêm là người đại diện pháp luật.
Cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý
Hiện các bệnh viện bị xâm phạm thương hiệu đã gửi đơn đến cơ quan công an và các ngành chức năng đề nghị được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tên thương hiệu của bệnh viện và xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Đỗ Trúc Lâm, Giám đốc Công ty Luật TNHH Lâm Trí Việt, Đoàn Luật sư Tp.HCM cho biết, tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Như vậy, tên riêng của bệnh viện thuộc nhóm tên thương mại nêu tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ.
“Khoản 2 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại. Bệnh viện bị xâm phạm quyền đối với tên thương mại có quyền yêu cầu chủ thể vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại”, luật sư Lâm cho biết thêm.
Ở góc độ quản lý nhà nước, hành vi quảng cáo mạo danh tên bệnh viện, bác sĩ, thì có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Lâm, tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo: Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo.
Điều 197 Bộ luật hình sự về Tội quảng cáo gian dối: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
“Trường hợp việc mạo danh Bệnh viện, Bác sĩ như một thủ đoạn gian dối, tạo sự tin tưởng của người dân nhằm chiếm đoạt tài sản thì đối tượng vi phạm sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với mức phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân”, luật sư Lâm cho hay.
Nguyễn Quốc Lâm