Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Trong đó, đề xuất bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau một thời gian lấy ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đã tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương; kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp Quốc hội, chỉnh sửa, bổ sung một số quy định cho phù hợp với thực tiễn.
Trên cơ sở 5 chính sách được Quốc hội thông qua: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả. Ban soạn thảo đã cụ thể hóa thành 11 nội dung lớn.
Liên quan đến nội dung mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sau khi khảo sát trên 100 quốc gia đều chỉ ra giải pháp để gia tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội là phải kết hợp hài hòa cả 2 biện pháp đó là: quy định mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc và ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Về việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung 5 nhóm đối tượng tham gia. Cụ thể gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương;
Ngoài ra, người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); người hoạt động không chuyên trách 7 ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.
PV