Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tuyệt đối không chủ quan, phải nỗ lực không ngừng nghỉ để có được dự thảo Luật Đất đai đáp ứng tốt nhất yêu cầu thực tiễn.
Chỉ đưa vào luật nội dung đã chín, đã rõ
Tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế và các cơ quan hữu quan về công tác tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và một số nội dung lớn của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào chiều 2/8 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính đã có báo cáo làm rõ các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao Thường trực Ủy ban Kinh tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật cũng như chuẩn bị cho buổi làm việc.
Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và tiếp thu để chỉnh lý dự thảo Luật và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua cho thấy dự thảo Luật đã có bước tiến xa so với dự thảo ban đầu.
Đến nay, dự thảo Luật đã được nâng thêm một bước trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học.
Ông Định cho biết nhiều nội dung đã có sự thống nhất giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Kinh tế. Do đó, cần tiếp tục thảo luận đi đến thống nhất để thu hẹp dần phạm vi những nội dung còn thể hiện theo hai phương án.
Trong đó, làm rõ từng ưu điểm, nhược điểm của mỗi phương án thiết kế và có giải pháp khắc phục nhược điểm.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị đánh giá kỹ lưỡng các nội dung luật hóa, chỉ đưa vào luật những nội dung đã chín, đã rõ.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đi đúng hướng
Kết luận nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất ngày 1/8, với 263 Điều và 16 chương, được chỉnh lý trên cơ sở tổng hợp đầy đủ và tiếp thu nghiêm túc chắt lọc ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, các ý kiến của các cơ quan Quốc hội và cơ quan tổ chức hữu quan.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Ủy ban Kinh tế đã tích cực chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan tổ chức hữu quan liên tục tổ chức thêm các hội thảo để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật.
Ghi nhận đến thời điểm này chất lượng dự án Luật được nâng lên một cách cơ bản, bảo đảm chất lượng khá tốt và đi đúng hướng, có đủ điều kiện để tiến hành các quy trình tiếp theo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến nay vẫn còn nhiều nội dung của dự thảo Luật còn ý kiến khác nhau, có những nội dung thể hiện theo hai phương án. Trong đó, đều là các vấn đề lớn, khó, then chốt.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất lớn. Các cơ quan không được phép ngừng nỗ lực, mà phải nỗ lực không ngừng nghỉ, tuyệt đối không chủ quan để có được dự án Luật đáp ứng yêu cầu tốt nhất cho thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị bám sát và quán triệt thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 18, không quy định nội dung không đúng với Nghị quyết, nội dung nào thể chế chưa đầy đủ phải rà soát quy định đầy đủ; chỉ xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án thể chế hóa nội dung của Nghị quyết.
Đồng thời, bám sát quan điểm, nguyên tắc trong thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu quy trình xây dựng luật đến nay.
Bảo đảm phải đồng bộ với các dự án luật khác. Chủ tịch Quốc hội lưu ý không dùng luật này để thay cho các luật khác, không được dùng luật này để làm thay chức năng nhiệm vụ của các luật khác.
Theo kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp tháng 8/2023 tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật;
Đồng thời, chắt lọc những vấn đề cốt lõi nhất để xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Chủ tịch Quốc hội cũng điểm lại những nội dung lớn cần tiếp tục được quan tâm, nghiên cứu kỹ lưỡng như: Chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, quyền nghĩa vụ đơn vị sự nghiệp công lập, điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện;
Thu hồi đất, về giá đất và các phương pháp định giá đất, thu tiền sử dụng đất, vấn đề thu hồi đất, phát triển cơ sở dữ liệu thông tin đất đai, việc sử dụng khai thác thêm về đất không gian ngầm, công trình ngầm, phát triển thị trường bất động sản…
Đồng thời, đề nghị tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các dự thảo nghị định và có danh mục, văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai và các văn bản cần phải sửa đổi bổ sung để phù hợp với Luật Đất đai.
Hoàng Thị Bích