Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Giá gạo tăng: Linh hoạt đảm bảo xuất khẩu và tiêu dùng...

Giá gạo tăng: Linh hoạt đảm bảo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước

0

Khi thị trường thế giới có thay đổi, các chính sách điều hành lúa gạo cần kịp thời, hiệu quả để cân bằng lợi ích xuất khẩu và nội địa.

Giải pháp bình ổn thị trường

Báo cáo của Bộ Công Thương chỉ ra, giá lúa gạo ngày 5/8 tại thị trường trong nước tiếp tục tăng 100 – 800 đồng/kg. Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh 20 USD/tấn.

Cụ thể, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng 100 – 200 đồng/kg với nhiều chủng loại lúa. Theo đó, tại kho An Giang hôm nay, giá lúa OM 5451 tăng 100 đồng/kg lên mức 7.000 – 7.300 đồng/kg; Nàng hoa 9 tăng 400 đồng/kg lên mức 7.200 – 7.600 đồng/kg.

Với các chủng loại còn lại, giá đi ngang. Cụ thể, giá lúa IR 504 ở mức 6.800 – 7.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 6.900 – 7.100 đồng/kg; lúa Nhật cũng ổn định ở mức 7.800 – 8.000 đồng/kg; lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 13.000 đồng/kg; OM 18 ở mức 6.900 – 7.100 đồng/kg;

Với lúa nếp, giá nếp An Giang tươi ở mức 6.300 – 6.600 đồng/kg; nếp Long An (tươi) ở mức 6.500 – 6.900 đồng/kg; nếp AG (khô) ở mức 7.700 – 7.900 đồng/kg; nếp Long An (khô) có giá 7.700 – 7.900 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm cũng điều chỉnh tăng. Theo đó, gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 12.000 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg. Gạo thành phẩm ở mức 14.100 đồng/kg, tăng mạnh 800 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh 20 USD/tấn. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 618 USD/tấn, tăng 20USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 598 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn.

Trong bối cảnh giá gạo tăng mạnh, người dân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy mạnh thu hoạch vụ hè thu và xuống giống vụ Thu đông.

Còn tại Tp.HCM, ghi nhận của Sở Công Thương Tp.HCM tính đến ngày 3/8 cho biết, giá bán lẻ mặt hàng gạo tẻ thường trung bình trong tháng 7/2023 ở mức 15.900 – 16.000 đồng/kg; gạo tẻ ngon từ 19.500 – 20.900 đồng/kg; gạo nếp thường 22.600 đồng/kg; gạo nếp ngon 27.500 đồng/kg…

Ông Ngô Hồng Y, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Tp.HCM khẳng định: “Từ nay đến cuối năm, Tp.HCM luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải đảm bảo nguồn cung, đảm bảo lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối”.

Do đó, Thành phố này tiếp tục tập trung thực hiện đôn đốc doanh nghiệp Bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ đúng tiến độ.

Theo kế hoạch, lượng hàng bình thị trường mặt hàng gạo cung ứng ra thị trường thông thường là 3.311 tấn/tháng, tháng Tết Giáp Thìn 2024 là 4.525 tấn/tháng nên Tp.HCM sẽ đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định để phục vụ người dân, đồng thời tổ chức bán hàng lưu động để ứng phó mọi tình huống biến động.

Cẩn trọng nguồn cung lúa gạo

Vào những ngày này, tại một số địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân vui mừng vì thu hoạch lúa ngay thời điểm trúng giá. Nông dân Nguyễn Thành Dũng ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp phấn khởi cho biết, gia đình ông vừa bán xong 3ha lúa hè thu, sử dụng giống lúa OM 5451 với giá bán 7.100 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí còn lãi hơn 24 triệu đồng/ha.

Đầu tháng 7 vừa qua, giá lúa hè thu chỉ ở mức 6.200- 6.400 đồng/kg (tùy giống lúa). Nhưng hiện tại, với lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số nước nên giá lúa ở Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng tăng cao. Hiện tại giá lúa hè thu giống chất lượng cao được thương lái thu mua tại ruộng với giá 7.100 đồng/kg, tăng 1.300 đồng/kg so cùng kỳ năm 2022; lúa thường IR 50404 giá 6.500 đồng/kg, tăng 1.050 đồng/kg so cùng kỳ năm 2022. Giá lúa tăng giúp người nông dân thu về lợi nhuận khoảng 3.500 đồng/kg.

Kinh tế vĩ mô - Giá gạo tăng: Linh hoạt đảm bảo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước
Nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phấn khởi khi giá lúa gạo tăng.

Không chỉ giá tăng, việc mua bán của bà con nông dân cũng thuận lợi. Cách đây khoảng một tháng, người dân tìm “mỏi mắt” chẳng thấy bóng dáng thương lái. Nhưng thời điểm này nhiều thương lái tranh nhau mua lúa. Để mua được lúa, các thương lái sẵn sàng đặt tiền cọc trước với người dân và người sau thường đặt mua giá cao hơn người trước từ 50-100 đồng/kg.

Ông Dương Văn Siêu, Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Thắng, huyện Thới Lai, Tp.Cần Thơ thông tin: “Giá lúa Đài Thơm 8 ở địa phương đã tăng đến 7.000 đồng/kg, tăng khoảng 500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Tuy giá lúa hè thu tăng nhưng hợp tác xã không còn lúa bán. Bởi diện tích lúa hè thu đã thu hoạch từ rất lâu và bán với giá thấp hơn. Hiện hợp tác xã đang trồng lúa thu đông”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thích, Phó giám đốc Hợp tác xã Tân Long, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang nói: “Hiện giá lúa hè thu đã 7.000 đồng/kg đối với giống OM18 và Đài Thơm 8. Tuy nhiên, lúa hè thu của hợp tác xã đã thu hoạch xong lâu rồi và chỉ bán với giá 6.300 đồng/kg”.

Dù giá lúa đang trên đà tăng khá cao, nhưng nhiều nông dân vẫn tỏ ra thận trọng trong khâu quản lý chi phí đầu vào để tránh tình trạng “vung tay quá trán”, chạytheo giá lúa mà “lạm dụng” các loại phân, thuốc với mong muốn tăng sản lượng, bán được giá.

Ở góc độ ngành chức năng, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết: “Dự báo giá lúa sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, do nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường các nước trên thế giới cần số lượng lớn. Vì thế với diện tích lúa thu đông đang gieo sạ, ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân tiếp tục chăm sóc, chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại nhằm bảo đảm lúa đạt chất lượng khi thu hoạch để bán giá cao”.

Liên Bộ phối hợp điều hành
Theo báo cáo ngày 2/8 của Bộ NN&PTNT, dự kiến năm nay cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6.07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022.
Hiện các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ mùa và vụ thu đông và thu hoạch vụ hè thu. Diện tích vụ thu đông tăng 50.000 ha lên mức 700.000 ha. Các địa phương cũng đã thu hoạch gần 3,7 triệu ha, giảm 0,8 ha so với cùng kỳ năm 2022. Năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha nên sản lượng lúa thu hoạch 7 tháng đạt trên 24,1 triệu tấn, tăng 0,4%.
Trước diễn biến thị trường lúa gạo từ cuối tháng 7, đầu tháng 8/2023 do việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo trắng thường, liên Bộ Công Thương – Bộ NN&PTNT đã có văn bản khuyến cáo doanh nghiệp phải nghiêm túc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo đã xuất của 6 tháng đầu năm, để đảm bảo không xảy ra lạm phát giá gạo cũng như lương thực trong nước.

Nguyễn Thành Nhân

Link nguồn