Dù giá trị xuất khẩu thủy sản các tháng gần đây đã ghi nhận tín hiệu tích cực nhưng người dân vẫn còn tâm lý “treo ao” chờ tín hiệu của thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2023, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.
Văn bản nêu rõ, ngành Thuỷ sản triển khai kế hoạch sản xuất và phát triển năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó khó khăn nhất về thị trường xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT cho biết, sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4,27 triệu tấn, đạt 47,2% kế hoạch (nuôi trồng thủy sản đạt hơn 2,336 triệu tấn); giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2022 (tôm nước lợ đạt 1,56 tỷ USD, giảm 36,6% so với cùng kỳ, cá tra ước đạt 885,5 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ).
Kết quả giá trị xuất khẩu thuỷ sản tháng 5, 6 đã cao hơn những tháng đầu năm, báo hiệu thị trường xuất khẩu thuỷ sản bắt đầu tốt lên, có khả năng hồi phục vào quý III-IV năm 2023. Tuy nhiên, giá sản phẩm hiện tại vẫn đang ở mức thấp, lợi nhuận không không nhiều, người dân có tâm lý “treo ao” chờ tín hiệu của thị trường, dẫn đến nguy cơ các tháng cuối năm có thể thiếu nguyên liệu thuỷ sản phục vụ chế biến và xuất khẩu, ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2023.
Để nuôi trồng thuỷ sản những tháng cuối năm 2023 phát triển ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu thuỷ sản cả về số lượng và chất lượng phục vụ chế biến, xuất khẩu, Bộ NN&PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, tổ chức nắm bắt, rà soát, tổng hợp, thống kê nguồn, lượng và khả năng sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thuỷ sản; lượng thuỷ sản hiện đang nuôi; lượng thuỷ sản hiện có tại các cơ sở chế biến, xuất khẩu trên địa bàn; diễn biến giá thuỷ sản nguyên liệu; kịp thời thông tin đến doanh nghiệp và người nuôi để có kế hoạch và giải pháp cụ thể, phù hợp trong tổ chức nuôi, chế biến, xuất khẩu.
Đồng thời, ổn định nuôi các đối tượng thuỷ sản nuôi chủ lực, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng trên biển và các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Duy trì diện tích nuôi sinh thái, hữu cơ, tôm lúa, tôm rừng, quảng canh cải tiến, kết hợp các biện pháp tăng năng suất, sản lượng nuôi ở những khu vực này để phát huy lợi thế sản phẩm tôm sú; phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở những vùng có đủ điều kiện hạ tầng và kiểm soát tốt các khâu sản xuất.
Tập trung phát triển chuỗi cá tra từ giống, thức ăn đến nuôi thương phẩm. Phát triển nuôi trồng trên biển xa bờ với các đối tượng nuôi có thể cho sản lượng lớn (cá chẽm, cá chim vây vàng, cá giò/bớp…) cùng với tạo sinh kế, nuôi gắn với bảo vệ môi trường ven bờ. Phát triển nuôi hồ chứa và các đối tượng đặc hữu, có giá trị kinh tế của địa phương.
Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp hạ giá thành trong nuôi trồng thuỷ sản. Áp dụng kỹ thuật tiên tiến ở tất cả các khâu trong quy trình nuôi để tăng tỉ lệ sống, giảm hệ số thức ăn (FCR). Tổ chức liên kết sản xuất để giảm khâu trung gian, đảm bảo vật tư đầu vào (giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản…) đến tay người nuôi nhanh nhất, gần nhất, chi phí thấp nhất.
Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo người nuôi; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong nuôi trồng thuỷ sản.
Thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thuỷ sản. Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển nuôi trồng thuỷ sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021, Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 và Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022.
Song song với đó là tổ chức phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo nguyên tắc hợp tác, liên kết, lấy người dân làm trung tâm, có sự kết nối giữa các cấp lãnh đạo, quản lý với đơn vị nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp của người dân để tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn. Có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tổ chức liên kết, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Nguyễn Phương Anh