Home Kinh tế vĩ mô Khơi thông “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của ngành logistics

Khơi thông “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của ngành logistics

0

Dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện đang tồn tại những rào cản kìm hãm sự phát triển như thủ tục thông quan hàng hóa rườm rà, chi phí vận hành cao, kết cấu hạ tầngthiếu đồng bộ…

Những điểm nghẽn cản trở phát triển dịch vụ logistics

Theo báo Hải Quan, trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14 – 16%/năm, quy mô 40 – 42 tỷ USD/năm.

Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD trong năm 2022 – khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam trên bản đồ thương mại quốc tế.

Theo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, mặc dù hệ thống cảng biển, sân bay đã được đầu tư, mở rộng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của ngành logistics, dẫn đến tình trạng quá tải và chậm trễ trong thủ tục xếp dỡ hàng hóa.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, có khoảng 20% số cảng biển tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics, trong khi đó, hơn 50% số cảng biển phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics.

Khoảng 20% số đường bộ tại Việt Nam được xây dựng hiện đại và đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics, trong khi đó, hơn 50% số đường bộ phải chịu tình trạng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển hàng hóa.

Kinh tế vĩ mô - Khơi thông “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của ngành logistics
 Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14 – 16%/năm, quy mô 40 – 42 tỷ USD/năm. Ảnh minh họa từ internet 

Khoảng 30% số sân bay tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics, trong khi đó, hơn 40% số sân bay phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics. Các cơ sở kho bãi chưa đủ số lượng và chưa được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, gây khó khăn trong việc lưu trữ và quản lý hàng hóa. 

Hiện nay, chỉ có khoảng 10% số cơ sở kho bãi tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics, trong khi đó, hơn 50% số cơ sở kho bãi phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics. Các cơ sở kho bãi tại Việt Nam chưa đạt được tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và an toàn phòng cháy chữa cháy, gây khó khăn cho việc lưu trữ và quản lý hàng hóa.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã chỉ ra những điểm yếu làm cản trở sự phát triển của ngành logistics. Cụ thể, những năm qua mặc dù ngành dịch vụ logistics đã có sự tăng trưởng rất tốt nhưng vẫn có những điểm yếu cần phải cải thiện.

Thứ nhất, hạ tầng logistics còn nhiều điểm cần khắc phục. Mặc dù Chính phủ đã có đầu tư khá lớn vào hạ tầng với nhiều sân bay mới, bến cảng mới, nhưng nhìn chung hạ tầng cho logistics chưa được đồng bộ. Thứ hai là về năng lực của doanh nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 43-45 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistic. Nhưng do đa phần là DN vừa và nhỏ nên năng lực cung cấp dịch vụ chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới Việt Nam. Mặc dù hàng hóa Việt Nam đã được xuất khẩu đi hơn 200 thị trường, nhưng tầm với của các doanh nghiệp chỉ có thể ra tới các nước láng giềng trong khu vực, còn đi xa hơn như châu Âu, Mỹ là không thể.

Điểm yếu thứ ba là về nhân lực. Ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đặc biệt là đội ngũ quản lý cấp trung. Thứ tư là về công nghệ. Mặc dù một số DN lớn trong ngành đã tiên phong áp dụng công nghệ mới, nhưng ở mặt bằng chung, việc áp dụng công nghệ trong ngành dịch vụ logistics của Việt Nam là chưa rõ nét.

Chính những yếu tố nói trên đã khiến chi phí logistics tại Việt Nam đang cao hơn nhiều nước trên thế giới (thế giới hiện chỉ khoảng 10,6% còn Việt Nam khoảng 16,8%). Điều này hạn chế sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của nền kinh tế. Vì vậy, kéo giảm chi phí logistics trở thành một đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế…

Và giải pháp tháo gỡ

Theo Kinh tế Đô thị, nêu quan điểm về vấn đề này, Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn Trương Tấn Lộc đề xuất cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bao gồm việc giảm các quy định pháp lý rườm rà, giảm chi phí vận hành và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào ngành.

Về hệ thống chuỗi cung ứng, xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng hiệu quả và chuyên nghiệp, bao gồm việc đồng bộ hoạt động của các đơn vị trong chuỗi cung ứng, áp dụng công nghệ thông tin để giám sát và quản lý hoạt động chuỗi cung ứng; thiết lập các tiêu chuẩn và quy trình chuẩn hóa trong hoạt động logistics.

Cần thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics; coi đây vừa là yêu cầu vừa là động lực để đổi mới và phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới.

Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan Nguyễn Bắc Hải cho biết, trong những năm qua, ngành Hải quan đã có nhiều hoạt động đồng hành cùng các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng.

Đồng thời nỗ lực cải cách, hiện đại hoá hoạt động hải quan, đặc biệt là áp dụng rộng rãi thủ tục hải quan điện tử, soi chiếu container, tăng tỷ lệ luồng xanh (miễn kiểm tra hàng hoá) và luồng vàng (kiểm tra chứng từ), giảm tỉ lệ luồng đỏ (kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa khẩu), áp dụng quản lí rủi ro…

Qua đó góp phần quan trọng giúp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh chóng, giúp cho các doanh nghiệp logistics đẩy nhanh được tốc độ vận chuyển, giao hàng, qua đó nâng cao được uy tín với khách hàng, thúc đẩy cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới…

Về vấn đề thủ tục pháp lý, hải quan, ông Nguyễn Bắc Hải khẳng định, ngành Hải quan xác định sẽ kiên quyết với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính. Tính đến hết năm 2022, cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với tổng số trên 4,92 triệu bộ hồ sơ, của hơn 54,8 nghìn doanh nghiệp được giải quyết trên cổng một cửa quốc gia.

Thông qua cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp sẽ thực hiện khai báo hồ sơ điện tử và nhận kết quả xử lý, giấy phép của các Bộ, ngành thông qua hệ thống và Cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa thông qua giấy phép điện tử được cấp qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Vì vậy, doanh nghiệp có thể theo dõi thời gian khai báo, thời gian xử lý, cán bộ, đơn vị xử lý, nhật ký giao dịch của hồ sơ được khai báo.

Ở góc độ địa phương, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Trần Mạnh Hùng chia sẻ, Cục Hải quan Hải Phòng đã chủ động triển khai nhiều chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan; cùng với đó, Cục đã triển khai phần mềm đánh giá sự hài lòng của DN, DN đánh giá và gửi trên phần mềm này.

Đào Vũ (T/h)

Link nguồn