Home Kinh tế vĩ mô Yêu cầu 5 tập đoàn đảm bảo nguồn cung năng lượng trong...

Yêu cầu 5 tập đoàn đảm bảo nguồn cung năng lượng trong mọi tình huống

0

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu 5 tập đoàn, tổng công ty không được để thiếu điện, thiếu than, xăng dầu và khí đốt cho nền kinh tế trong mọi tình huống.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới có buổi làm việc với các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Xăng dầu Việt Nam (Petrolinex), Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng nhấn mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là bảo đảm cung ứng điện, than, xăng dầu, khí đốt phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.

Ở một số thời điểm nguồn cung về năng lượng chưa đảm bảo; việc cung ứng điện trong mùa khô vừa qua gặp nhiều khó khăn, có thời điểm đã phải điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Dự báo thời gian tới, thị trường thế giới về nguyên, nhiên liệu sơ cấp, đầu vào của sản xuất vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, trong khi nhu cầu sử dụng năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao theo diễn biến tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước.

Kinh tế vĩ mô - Yêu cầu 5 tập đoàn đảm bảo nguồn cung năng lượng trong mọi tình huống
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: MOIT).

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu phải thực hiện được 3 nhiệm vụ chính. Thứ nhất, không được để thiếu điện, thiếu than, xăng dầu và khí đốt cho nền kinh tế trong mọi tình huống. Thứ hai, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng phải tăng cường hơn nữa sự hợp tác và chia sẻ.

Thứ ba, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Uỷ ban quản lý vốn chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu về cơ chế, chính sách, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng trong việc tuân thủ pháp luật, cũng như thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương và Uỷ ban quản lý vốn.

Từ đó, Bộ trưởng chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng đơn vị, tập đoàn, tổng công ty.

Đối với EVN, Bộ trưởng yêu cầu khắc phục triệt để những hư hỏng, sự cố các nhà máy, tổ máy (nhiệt điện, thủy điện) trong phạm vi quản lý, bảo đảm các nhà máy đủ khả năng hoạt động tối đa công suất.

Đẩy mạnh tiến độ xây dựng, hoàn thành các công trình dự án về nguồn, lưới điện truyền tải, không để chậm các dự án nguồn hòa lưới, các dự án truyển tải làm hạn chế năng lực giải tỏa công suất của các nhà máy.

Đồng thời, khẩn trương đàm phán giá để huy động các dự án chuyển tiếp, cũng như đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) trong vận hành hệ thống điện, đồng thời nỗ lực trong tuyên truyền, vận động những khách hàng lớn điều chỉnh biểu đồ sử dụng điện trong giờ cao điểm, góp phần điều hòa sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Kinh tế vĩ mô - Yêu cầu 5 tập đoàn đảm bảo nguồn cung năng lượng trong mọi tình huống (Hình 2).
Bộ trưởng yêu cầu EVN khắc phục triệt để những hư hỏng, sự cố các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, bảo đảm các nhà máy hoạt động tối đa công suất (Ảnh: Phạm Tùng).

Đối với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc, tuyệt đối tuân thủ biểu đồ cung cấp than và chỉ thị của Chính phủ về cung ứng than cho phát điện; tăng năng lực khai thác để đảm bảo nguồn cung cho các hợp đồng đã ký.

Cùng đó, khẩn trương tháo gỡ khó khăn để được cấp phép, gia hạn tăng sản lượng khai thác tại một số mỏ của mình; chủ động nhập đủ nguồn than phục vụ cho nhu cầu phát điện, cho các nhu cầu khác của nền kinh tế theo các hợp đồng đã ký và sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Riêng đối với TKV, vì có một số nhà máy điện nên Bộ trưởng yêu cầu cần chú ý việc chỉ đạo kiểm tra, giám sát các đơn vị của mình để các nhà máy luôn sẵn sàng nguyên liệu, nhiên liệu cho phát điện, kịp thời sửa chữa sự cố của các nhà máy (nếu có) để sẵn sàng phát tối đa công suất của các nhà máy.

Đối với PVN, Bộ trưởng yêu cầu tăng năng lực khai thác và chế biến sản phẩm dầu khí phục vụ nhu cầu phát điện và nhu cầu của nền kinh tế, kể cả nguồn nguyên liệu thô và thành phẩm cho thị trường theo đúng sản lượng, khối lượng đã cam kết và các hợp đồng đã ký.

Chủ động nhập khẩu xăng dầu thành phẩm theo cam kết, sản lượng sản xuất và sản lượng bao tiêu của nhà máy Nghi Sơn; Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại của liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn, kể cả việc tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như tái cơ cấu tài chính để bảo đảm hoạt động có hiệu quả.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án mở rộng công suất Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn; chủ động nghiên cứu, đề xuất chính thức với Chính phủ, Quốc hội về việc triển khai thí điểm tổ hợp điện gió ngoài khơi trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và triển khai nghiên cứu đề án điều chế sản xuất sạch.

Đối với Petrolimex, bảo đảm trong mọi tình huống không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu ở mọi phân khúc; chủ động nhập khẩu để bảo đảm đủ nguồn cung cho thị trường, kể cả sản lượng được phân giao, bổ sung và sản lượng theo nhu cầu thị trường, nhất là thời điểm Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong kỳ bảo dưỡng.

Nguyễn Thu Huyền

Link nguồn