Thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được kết quả tích cực ở khu vực thành thị, tuy nhiên khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều tiềm năng, bỏ ngỏ.
Để thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử, bao gồm phát triển hạ tầng chấp nhận thanh toán (thẻ, QR code…) và phát triển thẻ tín dụng nội địa, Hội thảo “Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam” đã được tổ chức ngày 15/9 nhằm góp phần triển khai chiến lược quốc gia về thúc đẩy tài chính toàn diện, thanh toán không dùng tiền mặt và góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thị trường thanh toán điện tử nhằm đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025.
Tính đến cuối năm 2022, trên 77,41% người dân trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản thanh toán bằng ngân hàng. Trong 7 tháng đầu năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 51,14% về số lượng so với cùng kỳ, qua kênh Internet tăng 66,46% về số lượng, qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về số lượng; qua QR Code tăng 124,15% về số lượng.
Việc mở tài khoản trực tuyến được thực hiện từ cuối tháng 3/2021. Tính đến tháng 6/2023 đã có gần 27 triệu tài khoản được mở bằng phương thức điện tử eKYC. Đang hoạt động 10,8 triệu thẻ lưu hành bằng phương thức eKYC.
Nhìn từ phía các Ngân hàng thương mại, ông Lê Hồng Phúc – Phó Tổng giám đốc Agribank cho rằng, mặc dù thanh toán thẻ nói riêng, thanh toán không dùng tiền mặt nói chung đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng sự bùng nổ này phần lớn tập trung ở khu vực thành thị.
Trong khi đó, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa với 90% giao dịch là tiền mặt còn nhiều tiềm năng và bỏ ngỏ. Hệ thống chấp nhận thanh toán thẻ như mạng lưới POS còn khá mỏng, sự phát triển còn hạn chế trong khi người dân vẫn còn e ngại tính an toàn của công nghệ thanh toán mới là rào cản đối với việc mở rộng, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực này.
Theo ông Phúc, khách hàng khi nói đến thẻ tín dụng, thường sẽ nghĩ ngay đến thẻ tín dụng quốc tế. Tuy nhiên, thẻ tín dụng quốc tế trên thị trường thường có nhiều khoản phí, do đó khả năng tiếp cận của khách hàng thấp.
Thông thường chủ yếu là khách hàng có thu nhập khá trở lên, có nhu cầu mua sắm, đi lại ở nước ngoài hoặc nhu cầu chi tiêu ở mức trung bình trở lên. Trong khi đó, Việt Nam với gần 63 triệu người dân ở địa bàn nông thôn là thị trường tiềm năng cho việc phát triển các sản phẩm thẻ thanh toán.
Ông Phúc đánh giá: “Thị trường còn nhiều tiềm năng, phân khúc khách hàng lớn, sản phẩm ưu điểm vượt trội tuy nhiên việc phát triển thẻ tín dụng nội địa chưa phát triển mạnh mẽ tương xứng và còn hạn chế so với thẻ tín dụng quốc tế”.
“Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các tổ chức tín dụng và các bên liên quan cần tiếp tục phối hợp, đầu tư hạ tầng, cung cấp các sản phẩm thanh toán đa dạng, mở rộng hạ tầng chấp nhận thanh toán, xây dựng hạ tầng đồng bộ để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đặc biệt ở vùng sâu vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính, ngăn ngừa tín dụng đen”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Đề xuất các giải pháp, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng vụ Thanh Toán, NHNN Việt Nam kiến nghị: “Trong 39 triệu thẻ đang hoạt động, chúng ta có trên 800.000 thẻ nội địa, chiếm 8,7% trong tổng số lượng thẻ. Như vậy đứng trước một thực trạng trên, rõ ràng chúng ta còn dư địa để quan tâm đẩy mạnh hơn phát triển thị trường thẻ nội địa tại Việt Nam”.
Ở góc độ Vụ thanh toán, ông Tuấn đề xuất giải pháp như các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, an toàn, đa năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa cần được thiết kế phù hợp với các nhóm đối tượng khách hàng có hành vi tiêu dùng hay thói quen thanh toán khác nhau.
Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi khuyến mại đối với khách hàng sử dụng thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ trong đó có thẻ tín dụng nội địa, kết nối thanh toán liên thông với dịch vụ công và các lĩnh vực giao thông, y tế, bảo hiểm…
Tiếp đó, các tổ chức tín dụng cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về thẻ tín dụng nội địa tới công chúng. Đây là giải pháp hết sức quan trọng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Đồng thời, nghiên cứu, hợp tác với các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch thẻ nước ngoài để mở rộng phạm vi sử dụng thẻ tín dụng nội địa không chỉ trong phạm vi trong nước mà còn có thể sử dụng thanh toán tại nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng.
Phạm Hồng Nhung