Việc hình thành trung tâm logistics – xúc tiến thương mại nội thất Việt Nam ở thị trường trọng điểm giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng với chi phí thấp.
Mới hoàn thành 50% mục tiêu của năm 2023
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho thấy trong tháng 8, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, giảm 2% so với tháng 7 và giảm 23% so với tháng 8/2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 742 triệu USD, đi ngang so với tháng 7 và giảm 17% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,3 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu, một số mặt hàng khác cũng giảm nhanh như dăm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022; gỗ ván và ván sàn đạt 956 triệu USD, giảm 24%; viên gỗ nén đạt 380 triệu USD, giảm 8%; cửa gỗ đạt 24 triệu USD, giảm 27%… Kết thúc 8 tháng đầu năm, ngành gỗ mới hoàn thành được gần 50% mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD của cả năm 2023.
Nhận định những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm mạnh với Vneconomy, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết do lạm phát tăng cao (trên 8%) tại một số quốc gia xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam, nên chính phủ các quốc gia này ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ. Đồng thời, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm chế biến từ gỗ.
Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị (Nga – Ukraine) tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp như: chi phí logistics, giá gỗ nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào đều tăng. Ngoài ra, xuất khẩu suy giảm còn do chính sách bảo hộ của các quốc gia đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, do vậy ảnh hưởng tới việc thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Bổ sung thêm, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho biết tần suất ngành gỗ đối diện với các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng nhiều. Từ 2015 tới năm 2019, ngành gỗ đối diện với hai vụ việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc. Từ năm 2020 tới nay, ngành gỗ đã đối diện với 5 vụ việc: 4 vụ việc xuất phát từ thị trường Mỹ (vụ việc 301, gỗ dán cứng, tủ gỗ, sản phẩm sử dụng mặt đá nhập từ trung quốc); 1 vụ việc xuất phát từ thị trường Canada.
Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu mọi sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này phải có chứng chỉ rừng bền vững. Nước Đức áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, đã tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu Việt Nam.
“Trợ sức” còn chậm
Thông tin về tình hình “trợ sức” từ Nhà nước đối với doanh nghiệp ngành gỗ, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay: hiện các doanh nghiệp đang được tháo gỡ khó khăn về thuế.
Cụ thể: việc nộp thuế giá trị gia tăng hiện được gia hạn 6 tháng cho quý 1/2023; 5 tháng cho quý 2/2023; 4 tháng cho tháng 7/2023; 3 tháng cho tháng 8/2023. Thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý 1, quý 2 đang được gia hạn 3 tháng. Doanh nghiệp cũng được miễn 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023, gia hạn 6 tháng kể từ ngày 31/5/2023 đến ngày 30/11/2023.
Về hoàn thuế giá trị gia tăng, Chính phủ đã có Công điện ngày 26/5/2023, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 5427/BTC-VP ngày 26/5/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 2099/TCT-KK ngày 26/5/2023 gửi Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay việc chậm hoàn thuế của các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Một vấn đề bất cập khác, theo lãnh đạo VIFOREST, là việc khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ trong nước được thực hiện theo Thông tư 26/TT-BNNPTNT, nhưng tới thời điểm này, khi các doanh nghiệp xuất khẩu yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ theo quy định vẫn gặp khó khăn, khi chỉ xác minh được bảng kê của sản phẩm chứ không xác minh tới người trồng rừng, gây khó khăn trong quá trình xin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) khi xuất khẩu. Một số tỉnh/thành áp dụng xác minh bảng kê lâm sản qua cổng dịch vụ công quốc gia, điều này không khả thi khi người trồng rừng ở các vùng sâu, vùng xa, không thể cập nhật các công nghệ.
Do đó, VIFOREST kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức đàm phán để thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. Đây là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững. Đồng thời, cần thí điểm mô hình phát triển doanh nghiệp theo hướng kinh tế xanh, trong đó hướng tới cam kết Net Zero trong ngành gỗ…
Xây dựng trung tâm logistics – xúc tiến thương mại nội thất
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ của các hệ thống phân phối quốc tế, đại diện IKEA cho rằng, doanh nghiệp cần tập trung tự động hóa.
“Hiện nay nhà máy của IKEA tại Việt Nam sử dụng công nghệ giống các nhà máy ở EU. Từ dỡ hàng, nhập hàng đều được tự động hóa, lắp băng chuyền cho vận chuyển dăm gỗ, bột gỗ… Điều này giúp tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, tạo ra môi trường lao động tốt hơn nhiều so với trước, đồng thời giảm phát thải carbon. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần củng cố chuỗi cung ứng từ nhà máy cưa, xẻ…”, ông Eryk Dolinski chia sẻ.
Một vấn đề quan trọng khác được ông Eryk Dolinski nhấn mạnh là cần có những giải pháp mới về logistics, tập trung khâu vận chuyển để tối ưu hóa chi phí.
“Sử dụng công nghệ từ việc đưa hàng lên phương tiện vận chuyển, sản xuất đến lắp ráp. Đồng thời đưa các sản phẩm rời từ Việt Nam sang EU lắp ráp để giảm chi phí, bởi việc vận chuyển phụ tùng từng phần nhỏ gọn hơn so với vận chuyển thành phẩm”, ông Eryk Dolinski cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Chánh Phương – Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết: Hiện nay HAWA đã đề xuất hình thành trung tâm logistics – xúc tiến thương mại nội thất Việt Nam ở thị trường trọng điểm, đầu tiên là ở Mỹ. Việc này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu có thể kết hợp để tiếp cận với khách hàng ở các nước sở tại với chi phí thấp.
“Một doanh nghiệp đầu tư sẽ khó hiệu quả vì chi phí và rủi ro quá cao nhưng nếu thiết lập ngôi nhà chung cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại nước ngoài sẽ tháo gỡ phần nào các khó khăn vướng mắc như pháp lý, kho hàng, quản lý hàng hóa, nhân sự… Chi phí vận hành cũng giảm đi rất nhiều, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp”, ông Phương khẳng định với Báo Công thương.
Định vị lại mục tiêu
Các chuyên gia chỉ ra rằng ngoài những quy định bắt buộc hiện hành, doanh nghiệp gỗ của Việt Nam sẽ đối diện với những đòi hỏi mới như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban châu Âu đề xuất, có hiệu lực từ tháng 10/2023. Hàng hóa nhập khẩu thị trường châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí, nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon.
Vì vậy, theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ chính là con đường để có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh. “Nếu thiết lập lại và tổ chức kết nối tốt, thị trường tín chỉ carbon chính là cơ hội để doanh nghiệp ngành nội thất Việt Nam gia tăng lợi thế. Ngành chế biến gỗ Việt Nam cần định vị lại mục tiêu, tầm nhìn trở thành trung tâm đồ nội thất thế giới xanh và bền vững”, ông Trai trao đổi với Người Lao động.
Hương Anh (t/h)