Home Bất động sản TP Hồ Chí Minh: Đề xuất tăng ngân sách lên 3.770 tỷ...

TP Hồ Chí Minh: Đề xuất tăng ngân sách lên 3.770 tỷ đồng để gỡ vướng cho nhà ở xã hội

0

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có loạt chỉ đạo gỡ vướng cho các dự án nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu về loại hình nhà ở này trên địa bàn… Bên cạnh đó, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất điều chỉnh vốn ngân sách phát triển nhà ớ xã hội từ khoảng 1.177 tỷ đồng lên 3.770 tỷ đồng.

Có 9 dự án nhà ở xã hội đang triển khai 

Thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (hiệu lực từ 01/8/2023), UBND TP Hồ Chí Minh đang vận dụng các cơ chế, chính sách mới từ Nghị quyết 98 để giải quyết các khó khăn, vướng mắc các dự án nhà ở xã hội.

Chú thích ảnh
UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Xây dựng Thành phố sớm nghiên cứu xử lý, tháo gỡ đối với nhóm dự án nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện nay Thành phố có 9 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với diện tích đất 17,5 ha, 517.689 m2 sàn xây dựng, quy mô 6.383 căn hộ. Trong đó, có 5 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 – 2020 gồm: Dự án khu dân cư tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) với 1.344 căn hộ, dự án khu nhà ở tại số 324 Lý Thường Kiệt (Quận 10) với 1.254 căn hộ nhà ở xã hội…

Với 4 dự án động thổ, khởi công trong năm 2022 gồm: dự án nhà ở xã hội tại Khu dân cư Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh), quy mô gần 3.700 m2, 242 căn theo chính sách thuê, mua; khu nhà ở xã hội MR1 thuộc dự án khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7), cung cấp trên 700 căn hộ cho người lao động có thu nhập trung bình với đầy đủ tiện ích…

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm động thổ và triển khai, đến nay hầu hết các dự án đang chững lại. Theo ông Mai Thanh Tùng, Phó phòng Phát triển nhà ở và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân hầu hết là các dự án đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Do các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục như thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức.

Một nguyên nhân nữa khiến các dự án nhà ở xã hội “bất động” sau động thổ, đó là chủ đầu tư chưa thực sự chủ động về nguồn vốn nên tiến độ thi công kéo dài. Việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được…

Trước tình hình trên, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Xây dựng Thành phố sớm nghiên cứu xử lý, tháo gỡ đối với nhóm dự án nhà ở xã hội đã có pháp lý rõ ràng, đầy đủ để nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện. Đối với nhóm dự án có pháp lý phức tạp, vướng mắc cần nghiên cứu kỹ, tham mưu đề xuất giải pháp xử lý đảm bảo chặt chẽ về trình tự, thủ tục, đúng quy định pháp luật.

Đề xuất điều chỉnh nâng ngân sách nhà ở xã hội

Bên cạnh việc tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất nâng nguồn vốn ngân sách có thể thực hiện tốt Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2021 – 2025 đã được phê duyệt. Bởi theo Kế hoạch, dự kiến nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước chiếm 5% trong tổng số vốn dự kiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tức khoảng 1.177 tỷ đồng, chủ yếu là để giải quyết cho các hộ gia đình khó khăn về nhà ở, không thể đi thuê, mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư xây dựng.

Trong khi đó, theo Chương trình Phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030 đã được HĐND Thành phố thông qua tại Nghị quyết số 30/NQ- HĐND ngày 8/7/2022, chỉ tiêu nhà ở công vụ giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến phát triển khoảng 1.400 m2 sàn nhà ở công vụ. Cũng theo chương trình này, nguồn vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội dự kiến khoảng 3.770 tỷ đồng giai đoạn 2021 – 2025 và khoảng 8.640 tỷ đồng giai đoạn 2026 – 2030 nhằm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê, cho thuê mua (bao gồm cả nhà ở xã hội cho công nhân).

Do vậy, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đề xuất điều chỉnh dự kiến nguồn vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội từ khoảng 1.177 tỷ đồng thành khoảng 3.770 tỷ đồng; bổ sung vốn ngân sách để phát triển nhà ở công vụ khoảng 326 tỷ đồng vào kế hoạch phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025.

Bên cạnh đó, Sở cho hay, thực hiện theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025, có 195 dự án đang triển khai (148 dự án nhà ở thương mại và 47 dự án nhà ở xã hội); có 317 vị trí dự án phát triển nhà ở (283 vị trí dự kiến phát triển nhà ở thương mại và 34 vị trí dự kiến phát triển nhà ở xà hội, nhà lưu trú công nhân).

Tuy nhiên từ năm 2021 đến tháng 6/2023, chỉ có 43 dự án nhà ở hoàn thành (42 dự án nhà ở thương mại và 1 dự án nhà ở xã hội), chiếm 22% tổng số dự án nhà ở đang triển khai. Do đó, cũng cần bổ sung nguồn cung dự án nhà ở để tăng tính khả thi cho việc thực hiện chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030 đã được phê duyệt.

Hải Yên

Link nguồn