Home Kinh tế vĩ mô Doanh thu xuất khẩu từ gạo và rau quả đạt 7,86 tỷ...

Doanh thu xuất khẩu từ gạo và rau quả đạt 7,86 tỷ USD

0

9 tháng, xuất khẩu gạo và rau quả, 2 ngành hàng có mức tăng trưởng cao của ngành nông nghiệp đã mang về doanh thu 7,86 tỷ USD .

Doanh thu xuất khẩu gạo và rau quả đạt mức tăng trưởng cao

Trong 9 tháng đầu năm, dù giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm sâu nhưng nông, lâm, thuỷ sản vẫn đạt hơn 38 tỷ USD

Theo báo Đầu Tư, trong khi trị giá xuất khẩu của nhiều nhóm hàng đối mặt đà giảm sâu thì gạo và rau quả tiếp tục lập kỷ lục, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu 9 tháng của năm.

Báo Đầu Tư dẫn nguồn số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng 2023, xuất khẩu 2 ngành nói trên mang về 7,86 tỷ USD, trong đó, rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%, gạo xuất khẩu đạt 6,6 triệu tấn, trị giá 3,65 tỷ USD, tăng lần lượt 23,1% về lượng và 40,4% về trị giá so với cùng kỳ.

Xuất khẩu gạo và rau quả cùng với cà phê (3,16 tỷ USD) đã trở thành 3 nhóm hàng nông sản đạt trị giá xuất khẩu cao nhất trong 10 năm. Tổng trị giá xuất khẩu của 3 nhóm hàng này hiện đạt hơn 10 tỷ USD.

Xuất khẩu gạo tăng ở mức ấn tượng cả về sản lượng lẫn trị giá, ngoài việc các nước tăng cường nhập khẩu, còn do Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ cuối tháng 7/2023 liên tục tăng mạnh. Các thị trường Trung Quốc, Philipines, Indonesia đều tăng mua gạo Việt.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo đã tạo hiệu ứng tích cực cho giá gạo trong nước. Trong bối cảnh khó khăn chung của xuất khẩu nông sản thì đây là điểm sáng, là cơ hội lớn và đang được các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt, tận dụng

Cơ hội xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn khi các nước vẫn đang tăng cường nhập khẩu gạo để dự trữ. Đặc biệt, hiện nay Malaysia vẫn cần nhập khẩu tới 30% để đảm bảo yêu cầu tiêu dùng và dự trữ trong nước.

Đối với rau quả, việc cán mốc 4,2 tỷ USD sau 9 tháng là kết quả xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay của ngành, trong đó kết quả xuất khẩu tháng 9 vẫn đạt 650 triệu USD. Năm cao điểm 2018, ngành này mang về 3,81 tỷ USD.

Dư địa tăng tốc xuất khẩu 3 tháng cuối năm với rau quả còn rất lớn do Trung Quốc, thị trường nhập khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam vẫn tăng tốc nhập khẩu để đáp ứng tiêu dùng nội địa, trong đó tập trung mua nhiều sản phẩm rau quả có giá trị cao của Việt Nam, điển hình là trái sầu riêng.

Trong 4,2 tỷ USD doanh thu xuất khẩu rau quả, ước tính, sầu riêng đã đóng góp khoảng 1,4 tỷ USD. Dự báo cả năm nay, xuất khẩu rau quả đạt 5,2 – 5,5 tỷ USD, riêng mặt hàng sầu riêng có thể đóng góp doanh thu khoảng 1,7-1,8 tỷ USD.

Kinh tế vĩ mô - Doanh thu xuất khẩu từ gạo và rau quả đạt 7,86 tỷ USD
Xuất khẩu gạo tiềm năng trong năm 2023.

Năm 2023 mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53 – 54 tỷ USD

Báo Công Lý dẫn nguồn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm thuỷ sản đạt 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%; lâm sản 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%. Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Về chăn nuôi, nhờ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát nên chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tốt. Tổng đàn vật nuôi và sản lượng thịt đều tăng: Sản lượng thịt hơi trâu hơi xuất chuồng đạt 90,6 nghìn tấn, tăng 0,1%; thịt bò hơi xuất chuồng đạt 373,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; sữa bò tươi đạt 892,5 triệu lít, tăng 3,4%; đàn lợn tăng 4,2%, sản lượng thịt lợn hơi ước đạt 3.632,9 nghìn tấn, tăng 6,8%; đàn gia cầm, tăng 3,5%; sản lượng thịt ước đạt 1.737,2 nghìn tấn, tăng 6,0%; trứng ước đạt 14,2 tỷ quả, tăng 5,6%.

Đáng chú ý, đối với lĩnh vực thủy sản, thị trường xuất khẩu thủy sản quý 3 bắt đầu có sự khởi sắc, tạo động lực cho người nuôi thả nuôi mới; khai thác biển cơ bản giữ ổn định do thời tiết thuận lợi. Sản lượng thu hoạch thủy sản tháng 9/2023 đạt 857,7 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng đạt 6.796,7 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, đối với quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm: tỉ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát đạt yêu cầu 97,8%, tăng 0,2% so cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đạt 99,3%, giảm 0,2%; tỉ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đạt 89%, tăng 14%.

Để hoàn thành các mục tiêu xuất khẩu, trong năm 2023, ngành NNPTNT phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 – 3,5%; trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản khoảng 53 – 54 tỷ USD.

Tính chung 9/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng năm 2023 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,2%).

Trúc Chi (t/h)

Link nguồn