Home Tiêu điểm Nguồn lực cải cách tiền lương đã sẵn sàng cho cả giai...

Nguồn lực cải cách tiền lương đã sẵn sàng cho cả giai đoạn 2024-2026

0

Theo ông Đinh Ngọc Quý – Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, lộ trình cải cách tiền lương thực hiện từ ngày 1/7/2024, sẽ thực hiện đủ 6 nội dung.

Tại họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV chiều ngày 19/10, một trong những vấn đề được báo chí quan tâm là cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024.

Trả lời vấn đề này, ông Đinh Ngọc Quý – Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII vừa qua đã thảo luận về lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới, cụ thể hóa Nghị quyết số 27- của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo kết luận, của Hội nghị Trung ương 8, lộ trình cải cách tiền lương thực hiện từ ngày 1/7/2024. Trong đó, sẽ thực hiện đủ 6 nội dung của Nghị quyết số 27 về cải cách tiền lương.

Cụ thể, nội dung thứ nhất sẽ xây dựng 5 bảng lương mới gồm: Bảng lương chức vụ chức danh lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ; bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an; bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Nội dung thứ hai là sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay. Nội dung thứ ba là chế độ tiền thưởng sẽ bằng 10% tổng quỹ tiền lương cơ bản, không bao gồm phụ cấp. Nội dung thứ tư là chế độ nâng bậc lương. Nội dung thứ năm là nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương. Nội dung thứ sáu là tiền lương và thu nhập.

Đối thoại - Nguồn lực cải cách tiền lương đã sẵn sàng cho cả giai đoạn 2024-2026
Ông Đinh Ngọc Quý – Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội trả lời tại họp báo.

Theo ông Quý, vấn đề quan trọng nhất trong 6 nội dung này là nguồn kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương. Nội dung này đã được Chính phủ báo cáo Trung ương là nguồn cải cách tiền lương đã được chuẩn bị sẵn sàng cho cả giai đoạn từ 2024-2026.

Ông Quý cho biết, sau năm 2024 và từ 2025 trở đi, mức lương sẽ tăng 5-7%. Việc tăng này để đảm bảo mức lương phù hợp, tiệm cận với mức lương của vùng 1.

Trước đó, tại cuộc tiếp xúc cử tri Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cải cách tiền lương là vấn đề đại sự.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần khẳng định quan điểm “không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, trong đó, cải cách tiền lương chính là một trong những nội dung thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Về nguồn lực, Chủ tịch Quốc hội thông báo “đến nay, chúng ta cũng đã chuẩn bị được khoảng 500 nghìn tỷ đồng cho công tác cải cách chính sách tiền lương”.

Từ nay cho đến thời điểm dự kiến thực hiện ngày 1/7/2024 cần tập trung hoàn thiện vị trí việc làm, chức danh, chức vụ công tác làm cơ sở cho việc cải cách tiền lương.

Chủ tịch nhấn mạnh, tinh thần cải cách chính sách tiền lương theo nguyên tắc mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Dự kiến, sau năm 2024, mỗi năm, mức lương sẽ tăng 5-7% để tiến tới trong thời gian ngắn lương khu vực công ngang bằng với mức lương ở khu vực sản xuất.

Từ nay đến thời điểm dự kiến thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương vào ngày 1/7/2024, các cơ quan hữu quan đang tập trung để hoàn thiện dự thảo chính sách, hệ thống thang bảng lương…

Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay, theo kế hoạch của Trung ương thông qua và Quốc hội, Chính phủ cũng có kế hoạch, từ 1/7/2024 sẽ tiến hành thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương. Đây cũng là bước đầu tiên trong thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương, có tính chất cải cách, còn thực chất đã điều chỉnh nhiều lần.

Đáng lưu ý, lần điều chỉnh này mang tính chất cải cách chứ không chỉ điều chỉnh lương, hay tăng lương, tăng thu nhập. Theo Nghị quyết 27, cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Hai việc này phải đi liền với nhau.

“Điều chỉnh tiền lương gắn với vị trí việc làm và gắn với tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, cho nên cũng phải tiến hành rà soát, sắp xếp lại cán bộ công chức. Những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh cũng phải có biện pháp xử lý. Thậm chí, người vi phạm, yếu năng lực đưa ra khỏi bộ máy. Chúng ta phải làm cả hai mặt chứ không chỉ cải cách tiền lương không”, ông Định nêu rõ.

Hoàng Thị Bích

Link nguồn