Chính sách tài khóa đã phát huy tác dụng trong năm 2022 và 2023 nên cần được tiếp tục triển khai trong năm 2024 để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. TS Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, ba cỗ máy tăng trưởng chính của kinh tế là: Xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư vẫn gặp khó. Để giảm áp lực cho kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Chính phủ, Bộ Tài chính cần tiếp tục có thêm những chính sách tài khóa nào để hỗ trợ phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp?
Việc thực hiện chính sách tiền tệ trên thực tế sẽ có những rủi ro nhất định, nên cần sự kết hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống, trong khi hiện nay, sức hấp thụ của nền kinh tế và doanh nghiệp còn thấp, tùy thuộc vào thị trường, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính sách tài khóa có dư địa khá lớn, việc áp dụng chính sách tài khóa trên thực tế đã mang lại lợi ích có tính dài hạn. Trước mắt, đối với một số lĩnh vực, khi thực hiện chính sách tài khóa, giãn, giảm thuế, phí, nguồn thu ngân sách Nhà nước có thể giảm. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phục hồi đồng nghĩa với việc nguồn thu ngân sách được bồi đắp.
Các biện pháp tài khóa tích cực là giảm thuế, phí sẽ tạo ra nguồn lực để doanh nghiệp phục hồi. Số doanh nghiệp trụ lại thị trường sẽ nhiều hơn, cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh sẽ tăng lên thì diện đóng thuế tăng nguồn thu ngân sách tăng lên.
Dự báo cả năm 2023 tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%). Ông nhận định ra sao về điều này và chúng ta cần có những giải pháp ra sao trong thời gian tới?
Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và quyết tâm phấn đấu đến mức cao nhất. Thời gian còn lại của năm 2023 không nhiều, nhưng chúng ta vẫn có những yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng đó là đầu tư công.
Trong những tháng qua, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng thúc đẩy đầu tư công, hy vọng sẽ đạt kết quả khả quan trong năm nay, tạo tác động dây chuyền thúc đẩy hoạt động của nền kinh tế, tăng tổng cầu, tăng trưởng.
Một trong những “ngôi sao hy vọng” về dư địa tăng trưởng của năm 2023 là sự đột phá về cơ chế hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhất là một số thị trường như bất động sản.
Để giảm áp lực cho nền kinh tế, trong bối cảnh hiện nay cũng phải hết sức thận trọng trong kế hoạch tăng, phí giá, sửa đổi hệ thống pháp luật liên quan đến tăng phí giá. Điều này tạo nêu khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Chúng ta đang đứng trước thực tế khó khăn: Một mặt phải đưa giá điện vận hành theo cơ chế thị trường, có nghĩa là phải điều chỉnh tăng giá điện để bù đắp sản xuất điện, có lãi để tái tạo đầu tư cho ngành điện; mặt khác phải đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế, không tạo ra cú sốc, đầu vào của nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Vì vậy, theo tôi, Chính phủ nên cân nhắc để có quyết sách đảm bảo cân đối hai mục tiêu đó. Phải có tính toán lộ trình, tính thời điểm điều chỉnh thuế, phí… Hơn nữa, trong điều kiện ngắn hạn rất khó khăn như hiện nay, cần có những gói giải pháp để tiếp sức cho doanh nghiệp.
Trong năm 2024, chính sách tài khóa còn dư địa để triển khai dựa trên cơ sở căn cứ vào tiêu chí quan trọng đó là trần nợ công. Hiện nay, nợ công của nước ta so với trần nợ công theo quy định của Quốc hội quy định còn thấp, điều đó chứng tỏ dư địa chính sách tài khóa còn lớn.
Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính đã đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được giảm chi phí đầu vào thông qua giảm 2% VAT. Ý kiến của ông về đề xuất này như thế nào?
Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm nay, Việt Nam có trên 160.000 doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh là gần 122.000 doanh nghiệp.
Con số này cũng có nghĩa, tính bình quân cứ 10 doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động, thì có tới gần 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đây là tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường lớn nhất trong nhiều năm qua. Bình quân một tháng có tới 15.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Quy mô doanh nghiệp thành lập mới cũng đang suy giảm cả về số vốn đăng ký và lao động so với cùng kỳ năm trước.
Do vậy, chính sách giảm thuế VAT năm 2022 và năm 2023 đã phát huy tác dụng thiết thực, tác động đa chiều đến nền kinh tế khi giảm thuế làm giá hàng hóa giảm, tiêu dùng tăng giúp doanh nghiệp tăng sản xuất. Doanh nghiệp được giảm chi phí đầu vào thông qua giảm 2% VAT. Chi phí đầu vào giảm, người tiêu dùng mua được hàng hóa rẻ hơn, đồng thời tiết kiệm được 2% trong tiêu dùng nên sức tiêu thụ mạnh hơn.
Bên cạnh đó, việc giảm thuế VAT không làm giảm ngân sách Nhà nước (mà thực tế lại tăng do kích thích tiêu dùng) và kích thích các chỉ tiêu khác trong nền kinh tế. Kết quả cuối cùng là GDP tăng đáng kể so với kế hoạch của Chính phủ.
Với đề xuất này của Bộ Tài chính, tôi kỳ vọng sớm được Chính phủ, Quốc hội phê duyệt nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và tạo đà thúc đầy tăng trưởng kinh tế năm 2024 cận kề.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Minh Phương