Chiều ngày 27/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Công điện 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023 và đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian qua hệ thống ngân hàng, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành hợp lý. Tuy nhiên, những vấn đề của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp dù đã được quyết liệt xử lý nhưng chưa triệt để nên cũng đã gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng.
Trước những yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này, gói tín dụng cho lĩnh vực thuỷ sản 15.000 tỷ đồng, từ chính nguồn lực của các nhà băng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai nhiều chương trình kết nối ngân hàng, doanh nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước. Thông qua đó để cùng các tổ chức tín dụng tìm ra giải pháp cùng nhau tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước là đầu mối tổ chức triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, phối hợp với các bộ ngành để khảo sát, khó khăn, vướng mắc, báo cáo Chính phủ trong quá trình triển khai.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Hà Thu Giang cũng cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong một số ngành, lĩnh vực chủ chốt trong nền kinh tế. Do đó đến ngày 24/10, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022; trong đó từ tháng 5 trở lại đây đã tăng nhanh hơn; tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm. Nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm cũng được Ngân hàng Nhà nước chỉ ra là do các yếu tố khách quan như cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, một số khách hàng có nhu cầu nhưng chưa được vay vốn do chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản.
Bên cạnh đó, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả như chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm…; các tổ chức tín dụng không thể hạ được chuẩn tín dụng do phải đảm bảo an toàn hệ thống; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong những năm gần đây có sự giảm sút về tốc độ, quy mô do ít phát sinh dự án lớn; việc triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù cũng còn một số khó khăn.
Do vậy, theo Thống đốc việc xác định giải pháp hỗ trợ nền kinh tế như thế nào là rất quan trọng, tiếp tục tập trung quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng kịp thời với biến động của thị trường trong và ngoài nước. Cùng với đó, điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng.
Về phía các tổ chức tín dung, Ngân hàng Nhà nước đề tập trung phân bổ nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, đồng thời tiếp tục tăng cường kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; nỗ lực tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu…
“Phải chuẩn bị tâm thế, hết khó khăn này sẽ tới khó khăn khác, thách thức này tới thách thức khác, khó có thể đoán định khi nào sẽ “bình yên”. Ngân hàng Nhà nước không chủ quan với an toàn của hệ thống ngân hàng, tiếp tục góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc chia sẻ thêm định hướng điều hành chính sách.
Thùy Dương