Thanh long ở huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh trồng thanh long lớn nhất tỉnh Tiền Giang hiện được thương lái thu mua tại vựa với giá 28.000 đồng/kg (loại I), 23.000 đồng (loại II), 18.000 đồng/kg (loại III); thanh long ruột trắng có giá từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Giá thu mua thanh long cuối mùa chính vụ năm nay cao cấp 3 lần so vào thời điểm này năm ngoái.
Nhà vườn cho biết, giá thanh long hiện nay có giá cao vì mùa chính vụ đã sắp hết, hầu hết các vườn đã sắp hết trái nên nguồn cung thấp hơn cầu. Thanh long chính vụ năm nay có giá cao gấp 2 – 3 lần năm 2022 nên người trồng có thu nhập cao, yên tâm đầu tư cho cây thanh long, tiếp tục chăm sóc vườn để chuẩn bị cho sản xuất nghịch vụ (xử lý ra hoa trái vụ bằng cách xông đèn).
Được xem là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có 6.700 ha thanh long, diện tích thanh long đang cho trái là 5.850 ha với sản lượng thu hoạch 190.000 tấn/năm. Trong số đó, diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 2.200 ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên 300 ha.
Ông Cao Tấn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, nhằm đảm bảo giải pháp lâu dài, bền vững cho sự phát triển của cây thanh long trong tương lai, UBND huyện Chợ Gạo định hướng và tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, các doanh nghiệp phối hợp với nhà vườn trồng thanh long tạo được sản phẩm có giá trị để tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như vượt qua những rào cản kỹ thuật.
Ngoài ra, địa phương cũng kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đầu tư xây dựng những nhà máy sản xuất các sản phẩm chế biến đa dạng từ trái thanh long để góp phần giải quyết phần nào sản lượng trái thanh long khi vào mùa thu hoạch rộ.
Bên cạnh đó, UBND huyện Chợ Gạo chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp chính quyền các địa phương tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thanh long đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Huyện Chợ Gạo đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu lớn nhất tỉnh Tiền Giang và thanh long Chợ Gạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tại vùng chuyên canh, địa phương hình thành các hợp tác xã và tổ hợp tác quy tụ nông dân, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng GAP cho ra sản phẩm an toàn cũng như truy xuất nguồn gốc, tăng cường quảng bá sản phẩm cũng như xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa…
Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát đã xây dựng vùng trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP với 39 thành viên tham gia sản xuất ở 8 tổ hợp tác tại các ấp trong xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo. Tổng diện tích vườn cây của xã viên là 132 ha với các loại thanh long ruột trắng, ruột đỏ, ruột tím hồng…
Trung bình mỗi tháng, hợp tác xã sơ chế được từ 60 – 100 tấn trái thanh long cùng hơn 60 tấn trái cây khác để xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… và đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước. Qua đó, góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho các xã viên cũng như nhà vườn trồng thanh long ở địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu gần 9.400 ha với sản lượng thu hoạch hàng năm trên 236.000 tấn trái tập trung ở các huyện như Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông…
Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2.300 ha diện tích thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó có 2.196 ha đạt chứng nhận VietGAP và 110 ha đạt chứng nhận GlobalGAP. Tiền Giang đã có 33 mã số vùng trồng cấp xuất sang thị trường Trung Quốc cùng 5.493 ha, 92 mã số vùng trồng xuất sang thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia với 1.271 ha.
Đây được coi là giấy thông hành quan trọng để thanh long Tiền Giang có thể thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường khó tính trên khắp thế giới. Tỉnh đang đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 3.600 ha diện tích thanh long đạt tiêu chí GAP.
Hữu Chí