Để phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (gồm 2 đoạn là Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau), UBND tỉnh Đồng Tháp đã giới thiệu cho chủ đầu tư và các nhà thầu 7 mỏ cát với trữ lượng dự kiến khoảng 5,7 triệu m3. Tuy nhiên, việc triển khai thủ tục khai thác cát đang chậm so với nhu cầu của dự án.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, UBND tỉnh Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên bố trí 7 triệu m3 cát cho dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Riêng năm 2023, tỉnh cung ứng cát cho dự án nói trên với tổng khối lượng dự kiến là 3,3 triệu m3. Đến nay, Đồng Tháp đã cung ứng xong 371.000 m3; giới thiệu 7 mỏ cát cho nhà thầu thực hiện thủ tục mở mỏ mới, khai thác theo cơ chế đặc thù.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, ngày 20/9, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ bàn giao mỏ cát san lấp trên sông Tiền thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP (CC1) trực tiếp lập thủ tục khai thác mỏ để cung ứng cát phục vụ thi công dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau với trữ lượng khoảng 0,547 triệu m3. Đến nay, đã khai thác được khoảng 100.000 m3. Sau thời gian khai thác, nhà thầu báo cáo trữ lượng mỏ có nhiều đất hữu cơ (từ 1 – 3 m đầu), như vậy không đảm bảo sản lượng như dự kiến ban đầu và chất lượng sẽ ảnh hưởng.
Có 4 mỏ cát đang trong quá trình thực hiện hoàn thiện những thủ tục khai thác. Cụ thể, mỏ cát trên sông Tiền thuộc thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (sản lượng khoảng 0,79 triệu m3) đã được tỉnh Đồng Tháp phê duyệt hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vào ngày 20/10/2023. Còn mỏ cát thuộc xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh và xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (trữ lượng khai thác dự kiến khoảng 0,79 triệu m3); mỏ cát ở xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (trữ lượng khai thác dự kiến khoảng 0,81 triệu m3); mỏ cát thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò (trữ lượng dự kiến khoảng 0,482 triệu m3) đang chờ tỉnh phê duyệt hồ sơ ĐTM. Những thủ tục còn lại cần thực hiện là nộp chi phí thu tiền mặt nước, nộp thuế phí theo quy định, thỏa thuận phương án đảm bảo giao thông thủy… Phấn đấu tất cả các mỏ này sẽ được khai thác trước ngày 20/11/2023.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa giao thêm cho nhà thầu 2 mỏ cát mới là: mỏ cát thuộc xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự và mỏ cát thuộc xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò. Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành việc khảo sát, nộp hồ sơ và báo cáo trữ lượng cho Sở Tài nguyên và Môi trường, tiếp tục thực hiện những thủ tục tiếp theo. Dự kiến tổ chức tiếp nhận khai thác trước ngày 5/12/2023.
Như vậy, đến nay, dự án chỉ hoàn thành xong thủ tục và khai thác được 1/7 mỏ cát với trữ lượng khoảng 0,547 triệu m3. Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận việc triển khai các thủ tục trong khai thác cát đang chậm so với nhu cầu của dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Trong khi đó, Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định chỉ được áp dụng cơ chế đặc thù khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong 2 năm 2022 và 2023 nên thời gian thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ cát cho nhà thầu không còn nhiều.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các sở, ngành và đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục trong khai thác cát phục vụ cao tốc. Ông Phạm Thiện Nghĩa lưu ý các đơn vị, do việc khai thác được thực hiện theo cơ chế đặc thù nên thủ tục cần xử lý song song các bước để rút ngắn thời gian hoàn thành với điều kiện không bỏ sót những quy trình đã được rút gọn và phải đảm bảo an toàn về tính pháp lý. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có trách nhiệm siết chặt công tác quản lý việc khai thác cát nhằm đảm bảo nguồn cát được cung cấp đúng khối lượng, địa chỉ và thời gian.
Nhựt An