Huy động nguồn lực tài chính và các cơ chế tài trợ luôn đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu.
Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí xanh
Báo cáo về ổn định tài chính toàn cầu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã dẫn số liệu từ Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA): Dự báo đến năm 2030, các nền kinh tế đang phát triển cần khoảng 2.000 tỷ USD mỗi năm để đạt được mục tiêu khí hậu.
Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) tại Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất , trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và một số Bộ, ngành liên quan, một số ngân hàng đã ký kết hợp tác nhằm thúc đẩy các hoạt động tài trợ xanh, tài chính bền vững.
Đại diện BIDV cho biết: Ngân hàng đã trao văn bản hợp tác với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Standard Chartered (SCB) về thúc đẩy các hoạt động tài trợ xanh, tài chính bền vững.
Theo đó, Bản Ghi nhớ hợp tác giữa BIDV và ADB gồm các nội dung nhằm triển khai các hợp tác về tín dụng xanh giữa hai bên, góp phần hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của Việt Nam.
Nội dung hợp tác trọng tâm của Bản Ghi nhớ bao gồm việc xem xét triển khai Khoản vay trung dài hạn trị giá 200 triệu USD nhằm giúp BIDV tăng cường cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, áp dụng các mô hình hiệu quả năng lượng và nông nghiệp bền vững; chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ tốt về triển khai và công bố thông tin tài chính khí hậu. “Bản Ghi nhớ hợp tác đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa hai bên trong hành trình hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, đại diện BIDV cho biết.
Cũng trong khuôn khổ COP28, BIDV và Ngân hàng Standard Chartered đã trao Thỏa thuận khung Tài trợ thương mại Phát triển bền vững với tổng trị giá lên tới 100 triệu đô la Mỹ. Theo đó, Standard Chartered sẽ thu xếp tài trợ cho các giao dịch nhập khẩu đáp ứng các tiêu chí xanh theo quy định tại Thỏa thuận, thông qua đó tăng cường khả năng tiếp cận tài chính xanh cho các khách hàng doanh nghiệp của BIDV.
Tại COP28, VietinBank cũng cam kết dành nguồn lực tối đa cho phát triển bền vững. Theo đó, VietinBank đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Ngân hàng MUFG để hợp tác thúc đẩy ESG (bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng) và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ COP28, VietinBank đã tham gia và ký kết Biên bản ghi nhớ với đối tác chiến lược MUFG để thúc đẩy và huy động nguồn tài chính bền vững, từ đó góp phần đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và thực hành ESG tại Việt Nam. Đặc biệt, MUFG nỗ lực để hỗ trợ VietinBank thu xếp lên tới 1 tỷ USD nhằm phục vụ các dự án phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường, xã hội và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Với Biên bản ghi nhớ này, bên cạnh những hợp tác về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, MUFG sẽ chia sẻ các kinh nghiệm triển khai ESG, phối hợp với VietinBank đưa ra các kiến nghị, tham vấn tới cơ quan ban hành chính sách chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai thỏa thuận JETP.
Ông Colin Chen, Trưởng Bộ phận Tài chính ESG khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, MUFG cho biết: “MUFG và VietinBank là đối tác lâu năm trong nhiều lĩnh vực hợp tác chung. Biên bản ghi nhớ được ký kết này tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và tài chính bền vững tại Việt Nam. Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SGDs) là nền tảng cho việc thực hiện Kế hoạch tổng thể hành động quốc gia và việc huy động các nguồn lực tài chính bổ sung để đẩy mạnh triển khai Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam”.
Đai diện VietinBank cho biết: VietinBank coi thực hành ESG, thúc đẩy tài chính bền vững, tài chính khí hậu là một trọng tâm trong hoạt động của mình. Ngân hàng đang xây dựng Khung Tài chính bền vững, đưa ra các hướng dẫn cụ thể cho việc tài trợ và quản lý các khoản tài trợ cho danh mục các dự án xanh và xã hội.
Tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh còn khiêm tốn
Tăng trưởng xanh (bao gồm sản xuất xanh, chuyển đổi năng lượng xanh) đang trở thành xu hướng toàn cầu, được nhiều nền kinh tế quan tâm, đòi hỏi các doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam phải sớm có giải pháp thích ứng. Xét về con số tăng trưởng, dư nợ tín dụng xanh ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sau 5 năm. Tuy nhiên, xét về tỷ trọng, đây vẫn là con số khiêm tốn.
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank tính đến 31/10/2023 đạt hơn 12.098 tỷ đồng với gần 42.000 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực lâm nghiệp bền vững khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng xanh; tiếp đến là lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghiệp…
Trong giai đoạn 2018 – 2020, dư nợ tín dụng xanh ghi nhận bước tăng trưởng nhanh từ 100 – 380%/năm (từ 1.727 tỷ đồng năm 2018 lên 13.010 tỷ đồng năm 2020).
Theo lãnh đạo Agribank, sau giai đoạn này, do ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô như: COVID-19, căng thẳng leo thang giữa Nga – Ukraine và các nước phương Tây, suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam…, tốc độ tăng trưởng dư nợ suy giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn khá ổn định về giá trị cho vay lẫn số lượng khách hàng.
“Với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định mục tiêu xây dựng hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện môi trường và quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng”, bà Phùng Thị Bình cho biết.
Hiện nay, Agribank đang triển khai hiệu quả 7 chương trình chính sách và 2 chương trình quốc gia trong xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Đây là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết xây dựng phát triển bền vững và hỗ trợ giảm phát thải. Cũng theo bà Phùng Thị Bình, cơ hội của các doanh nghiệp và tổ chức tài chính Việt Nam trong việc tiếp cận các nguồn vốn xanh quốc tế là rất lớn, nhưng tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh còn khá khiêm tốn.
Thời gian tới, Agribank sẽ thực hiện theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Thông tư 17/2022/TT-NHNN về hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngoài ra, Agribank sẽ tập trung triển khai áp dụng chính sách quản trị rủi ro môi trường và xã hội (ESG) trong hoạt động cấp tín dụng, ban hành khung tài chính xanh, khung tài chính xã hội chính sách ESG trong vận hành của ngân hàng, xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi trong phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững. Đồng thời, ngân hàng sẽ hoàn thiện tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các tổ chức liên quan trong triển khai thực hiện ESG.
Agribank sẽ ưu tiên cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tiếp tục duy trì tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 60 – 70% tổng dư nợ.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), giai đoạn 2017 – 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm.
Tính đến ngày 30/9, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).
Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Kết quả này có được nhờ việc NHNN đã chủ động lồng ghép định hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án xanh trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ, xây dựng các giải pháp, chương trình trong hoạt động tín dụng và ngân hàng, góp phần hỗ trợ nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Để triển khai thành công chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững cần sự tham gia đồng bộ của tất cả các ban ngành từ Trung Ương đến địa phương. Nếu chỉ một mình hệ thống ngân hàng tham gia thì không khác ‘vỗ tay trên một bàn tay’ trong phát triển tín dụng xanh.
Cần sự đồng hành vào cuộc của các cơ quan ban ngành như: Ban hành các thể chế, nguồn lực tài chính hỗ trợ các tập thể, cá nhân tham gia vào quá trình này, bởi đó là xu hướng phát triển tất yếu của toàn cầu”, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank đề xuất.
Minh Phương