Chuyên gia nhận định, dòng tiền gửi ngân hàng sẽ có khả năng chuyển dịch vào những kênh đầu tư khác trong nửa cuối năm 2024.
Tiền gửi ồ ạt “chảy” vào ngân hàng
“Tôi lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng vì đây là kênh an toàn, ít rủi ro ở thời điểm hiện tại. Đồng thời, do vốn còn hạn hẹp, nên việc đầu tư vào các hoạt động kinh doanh khác khá khó khăn đối với tôi. Về vấn đề lãi suất, ở thời điểm hiện tại, tôi vẫn thấy chấp nhận được so với việc sử dụng số vốn đó để đi đầu tư vào thị trường chứng khoán hay hoạt động kinh doanh khác”.
Đó là những chia sẻ của chị Nguyễn Ngân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) với Người Đưa Tin khi được hỏi về lí do lựa chọn đầu tư vào kênh tiền gửi ngân hàng.
Anh Đình Hiển (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cũng chia sẻ, dù bản thân mong muốn có thể đầu tư vào những lĩnh vực khác ngoài tiền gửi. Tuy nhiên, ở thời điểm kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chưa phục hồi, ổn định, đầu tư vào đâu cũng phải tính toán, thậm chí chấp nhận rủi ro cao như hiện tại, tiền gửi vẫn là lựa chọn hàng đầu.
Thực tế, trong những tháng cuối năm 2023, lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục có sự điều chỉnh giảm. Thậm chí, lãi suất tiết kiệm tại nhóm 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank đều có sự đồng loạt điều chỉnh giảm mạnh từ 0,2 – 0,4%/năm đưa mức huy động 1 tháng xuống thấp nhất chỉ còn 2,2%/năm.
Dù vậy, người dân vẫn lựa chọn gửi tiền trong ngân hàng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9/2023, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp 11 lần cùng kỳ năm 2022.
So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng hơn 583.000 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại tăng 217.000 tỷ đồng, lên gần 6,232 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp đôi cùng kỳ năm 2022.
Lượng tiền gửi của khối doanh nghiệp đã tăng gần 277.000 tỷ đồng, tương đương 4,65%, cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022. Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý III đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm.
Không bỏ tất cả trứng vào một rổ
Lý giải nguyên nhân lượng tiền gửi ngân hàng liên tục leo thang dù lãi suất huy động không ngừng chạm đáy, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân – Trường Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh cho biết: Các kênh đầu tư khác đều chứa đựng nhiều rủi ro. Chứng khoán trồi sụt, không tăng điểm theo kỳ vọng. Bất động sản đóng băng. Giá vàng hiện nay cũng đang rất cao nên nhà đầu tư cần kênh “trú ẩn” an toàn. Do vậy, họ lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng dù lãi suất đang giảm rất mạnh”.
Đồng quan điểm với ông Huân, PGS.TS Trần Hùng Sơn – Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, thay vì loay hoay tìm kiếm các kênh đầu tư khác có mức độ rủi ro cao và thanh khoản kém ở thời điểm hiện tại như chứng khoán, bất động sản… thì gửi tiết kiệm sẽ an toàn hơn cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, lãi suất tiết kiệm hiện nay vẫn cao hơn so với mức lạm phát dự kiến, do vậy đây vẫn là kênh thu hút các nhà đầu tư.
Các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, lãi suất huy động không còn nhiều dư địa để tiếp tục giảm do phải đảm bảo lãi suất thực dương. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tìm cách hút bớt tiền để tránh tình trạng lãi suất quá thấp gây áp lực đầu cơ tỉ giá khi lãi suất USD vẫn ở mức cao.
Đồng thời tránh việc chênh lệch lãi suất giữa VND và USD quá thấp dẫn đến việc khối ngoại tiếp tục rút vốn khỏi Việt Nam để đầu tư về Mỹ, hưởng lãi cao hơn và đảm bảo an toàn tỉ giá.
Về tình hình tiền gửi ngân hàng trong năm 2023, ông Huân nhận định: “Việc gửi tiền vào ngân hàng là để chờ tín hiệu từ các kênh đầu tư khác. Kênh tiền gửi ngân hàng có thể sẽ chỉ được duy trì trong giai đoạn đầu 2024. Với sự khởi sắc của những kênh khác, dòng tiền gửi ngân hàng sẽ có khả năng chuyển dịch vào nửa cuối năm 2024”.
Theo ông Huân, quy tắc đầu tư là “không bỏ tất cả trứng vào một rổ”. Đa dạng hóa các kênh đầu tư, dịch chuyển dòng tiền từ lĩnh vực có tỉ lệ sinh lời thấp sang tỉ lệ sinh lời cao là điều tất yếu.
Ông Sơn cũng cho rằng, đa dạng hoá đầu tư là một nguyên lý chung trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Đặc biệt trong bối cảnh bất định cao, điều này càng quan trọng. Mặc dù năm 2024 được dự báo kinh tế sẽ khởi sắc nhưng những khó khăn và thách thức vẫn còn, do vậy việc đa dạng hoá đầu tư trong năm tới vẫn là cần thiết.
Tuy nhiên, việc đa dạng hoá kênh đầu tư cũng phụ thuộc vào “khẩu vị” rủi ro và năng lực tài chính của mỗi nhà đầu tư. Những người muốn an toàn vẫn sẽ tiếp tục gửi tiền ngân hàng, còn ai mạo hiểm sẽ lựa chọn mở rộng kênh đầu tư.
Nguyễn Thị Thu Hương