Home Ngân hàng Nợ xấu tại ACB tăng mạnh 93% so với cuối năm 2022

Nợ xấu tại ACB tăng mạnh 93% so với cuối năm 2022

0

Kết thúc năm 2023, tổng nợ xấu của ACB là 5.887 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng gấp 2,3 lần năm trước lên gần 1.049 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV và luỹ kế cả năm 2023. Theo đó, nhà băng ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 6.289,6 tỷ đồng, giảm 2,5% so với cùng kỳ. Các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận sự tăng giảm không đồng nhất. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ACB giảm 22% so với cùng kỳ xuống 727 tỷ đồng.

Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm mạnh 94% từ gần 504 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước về còn gần 29 tỷ đồng.

Hoạt động khác khiến ngân hàng lỗ 13,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, mảng này đem về cho ACB khoản lãi hơn 140 tỷ đồng, chủ yếu do thu nhập từ vốn góp mua cổ phần giảm mạnh từ 13 tỷ đồng năm trước về còn gần 1,9 tỷ đồng.

Điểm sáng duy nhất là mảng mua bán chứng khoán đầu tư với lãi thuần hơn 1.358 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, mảng này khiến ACB lỗ 2,7 tỷ đồng. Đây cũng là nguồn đóng góp chính vào doanh thu quý IV của nhà băng.

Trong kỳ, chi phí hoạt động khác của ACB tăng 10 lần so với cùng kỳ năm trước lên hơn 230 tỷ đồng. Công ty đã tiết giảm chi phí hoạt động từ 4.064 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 3.013 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ACB trong quý IV tăng 39% lên 5.365 tỷ đồng.

Ngân hàng đã gia cố tấm khiên ngăn nợ xấu bằng cách tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên mức 321,6 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, ACB vẫn báo lãi trước thuế đạt 5.043 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 4.006 tỷ đồng, đồng loạt tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2023, ACB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 24.959 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2022. Tương tự quý IV, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tiếp tục đem về cho nhà băng khoản lãi 2.647 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lãi 20,6 tỷ đồng trong năm trước đó.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính của ngân hàng, ACB có tổng cộng 73.463 tỷ đồng chứng khoán đầu tư, trong đó có gần 44.904 tỷ đồng chứng khoán sẵn sàng để bán và gần 28.560 tỷ đồng chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn.

Kết thúc năm 2023, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ACB tăng 27% lên 21.872 tỷ đồng. Dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tăng mạnh từ gần 71 tỷ đồng lên 1.804 tỷ đồng, ACB vẫn báo lãi trước thuế 20.068 tỷ đồng, lãi sau thuế tương ứng đạt gần 16.045 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022.

Năm 2023, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 20.000 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm, ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của ACB là 718.794 tỷ đồng, tăng thêm 18% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 39% lên 114.644 tỷ đồng; tiền cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm mạnh 92% xuống còn gần 280 tỷ đồng.

Mảng chứng khoán kinh doanh của nhà băng cũng tăng từ 1.131 tỷ đồng lên 7.177 tỷ đồng, chủ yếu là chứng khoán do các TCTD khác trong nước phát hành với 4.000 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt 482.235 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước.

Năm 2023, tiền gửi của khách hàng tại ACB là 482.703 tỷ đồng, tăng 16%; tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác của ACB đạt 89.506,6 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước.

Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của ACB tại ngày cuối cùng của năm ghi nhận ở mức 5.887 tỷ đồng, tăng 93% so với hồi cuối năm 2022. Trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng mạnh nhất, gấp 2,3 lần năm trước lên gần 1.049 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) cũng tăng 112,6% lên 940 tỷ đồng, và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 80% lên mức gần 3.898 tỷ đồng. Kéo theo đó là tỉ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 0,74% lên 1,22%.

Nguyễn Thị Thu Hương/NĐT