Sau tết Giáp Thìn, giữa xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, đã có một vài ngân hàng nhích tăng lãi suất trở lại ở kỳ hạn dài.
Lãi suất ở một số ngân hàng tăng trở lại
Theo Đầu Tư, Techcombank vừa đồng loạt tăng 0,2%/năm lãi suất huy động đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Lãi suất tiền gửi “Phát lộc tại quầy” kỳ hạn 1 và 2 tháng của nhà băng này dao động từ 2,55-2,7%/năm; kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng dao động từ 2,95-3,3%/năm đối với từng đối tượng khách hàng và số tiền gửi.
Còn với khách hàng gửi tiền online, Techcombank áp dụng lãi suất cao hơn từ 0,1-0,2%/năm so với hình thức gửi tiền tại quầy. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng dao động từ 2,75-2,9%/năm; kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng dao động từ 3,15-3,5%/năm.
Đáng chú ý, ngay cả với tài khoản thanh toán, Techcombank cũng áp dụng lãi suất lên tới 3,3%/năm thay vì mức lãi suất không kỳ hạn 0,1%/năm như thông thường.
Nhưng lãi suất huy động cao nhất đang niêm yết tại Techcombank là 5%/năm, dành cho khách hàng Private khi gửi tối thiểu 3 tỷ đồng kỳ hạn từ 12-36 tháng. Tuy vậy, lãi suất các kỳ hạn tại Techcombank vẫn thuộc nhóm thấp nhất hệ thống hiện nay.
Tương tự, lãi suất ngân hàng Sacombank mới nhất tháng 2/2023 cũng tăng mạnh 1% ở kỳ hạn dài 6,2%/năm dành cho tiền gửi online 36 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ. Nhưng so với tháng 1/2024, lãi suất huy động của Sacombank có xu hướng giảm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống và tăng ở các kỳ hạn trên 12 tháng.
Trước đó, đầu tháng 1/2024, ACB cũng bất ngờ tăng lãi suất huy động. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến tại nhà băng này, lãi suất tiền gửi từ 1 – 3 tháng tăng 0,3%; kỳ hạn 12 và 18 tháng tăng nhẹ 0,1%.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi trực tuyến dành cho tài khoản tiết kiệm dưới 200 triệu đồng như sau: kỳ hạn 1 tháng là 2,9%/năm, 2 tháng 3%/năm, 3 tháng 3,2%/năm, 6 tháng 3,9%/năm, 9 tháng 4,2%/năm và 12 tháng là 4,8%/năm… Mức lãi suất cao nhất tại ACB hiện là 5% đối với kỳ hạn 12 tháng, mức gửi từ 5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường hiện nay là 10,15%/năm nhưng ở kỳ hạn dài và đòi hỏi giá trị tiền gửi lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, mức lãi suất cao nhất tại Dong A Bank vẫn giữ ở 7,5%/năm cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 13 tháng trở lên với khoản gửi từ 200 tỷ đồng.
Tương tự, lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống hiện được niêm yết tại ABBank với mức 10,15%/năm. Mức lãi suất trên áp dụng đối với các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên trên một khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, lãi cuối kỳ và phải có phê duyệt của Tổng giám đốc ngân hàng.
PVcomBank cũng áp dụng lãi suất cao nhất lên tới 10%/năm cho tiền gửi kỳ hạn gửi 12 và 13 tháng với số dư tiền gửi mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Tại HDBank, mức lãi suất cao nhất 8,2%/năm được áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tối thiểu từ 300 tỷ đồng.
Tại MSB đang có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 8,5%/năm. Lãi suất này áp dụng cho kỳ hạn 12 – 13 tháng với hạn mức từ 500 tỷ đồng đối với các tài khoản tự động gia hạn từ 1/1/2018. BaoVietBank, lãi suất tiết kiệm cao nhất khách hàng được hưởng lên tới 6,2%/năm, với kỳ hạn 60 tháng.
SCB huy động các khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng với lãi suất 6,8%/năm, kỳ hạn 13 tháng. Còn lãi suất tiết kiệm cao nhất của MBBank hiện ghi nhận ở mức 6,1%/năm cho các kỳ hạn 36 – 60 tháng (đối với khu vực miền Trung và miền Nam).
Trong khi đó, Wooribank hiện triển khai gói lãi suất hấp dẫn Won Challenge với mức lãi cao nhất lên tới 11%/năm dành cho kỳ hạn 12 tháng, 10% dành cho kỳ hạn 12 tháng và 6%/năm dành cho kỳ hạn 9 tháng. Tuy nhiên, gói lãi suất này đặt ra điều kiện, khách hàng chỉ gửi tiết kiệm tối đa 5 triệu đồng và thấp nhất 1 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra ngân hàng này cũng có gói tiết kiệm tích luỹ với lãi suất lên tới 7,5% dành cho kỳ hạn 36 tháng. Đối với lãi suất gửi tiết kiệm online thông thường, lãi suất chỉ khoảng 5%/năm. Còn tại Cake by VPBank, lãi suất ưu đãi lên tới 5,5%/năm kỳ hạn từ 13-36 tháng. Trong khi đó, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng là 5,2%/năm.
Gửi tiết kiệm ngân hàng có còn là kênh đầu tư hấp dẫn?
Theo tạp chí Tài Chính điện tử, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đến cuối năm 2023 đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng (tăng trưởng 13,2% so với cuối năm 2022), là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng.
Như vậy, trong năm 2023, tiền gửi của của cư dân và các tổ chức kinh tế đã tăng thêm 1,68 triệu tỷ đồng – mức tăng cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây, riêng quý IV/2024 tăng trên 800.000 tỷ đồng. Nếu so với năm 2022, lượng tiền gửi tăng thêm trong năm 2023 cao gần gấp đôi.
Như vậy, môi trường lãi suất thấp vẫn không khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh khỏi hệ thống ngân hàng để chảy qua các kênh đầu tư khác như bất động sản và chứng khoán.
Số liệu được các ngân hàng lớn công bố mới đây cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền gửi ở mức cao trong năm 2023. Theo đó, huy động vốn của BIDV đến cuối năm 2023 đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%; tăng trưởng huy động vốn của VietinBank đạt 13,7%, Vietcombank tăng 12,1%.
Lý giải về dòng chảy mạnh của lượng tiền nhàn rỗi của dân cư vào ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, trong năm 2023, các kênh đầu tư khác đều ít nhiều có sự biến động, đặc biệt là kênh bất động sản, vàng và ngoại tệ. Chứng khoán cũng không nằm ngoài sự biến động này.
Thông thường, vào dịp cuối năm, dòng tiền thường chảy ra khỏi ngân hàng vì doanh nghiệp, người dân rút tiền để sản xuất, kinh doanh mùa cao điểm cũng như mua sắm chi tiêu dịp Tết. Thế nhưng trong bối cảnh kinh tế hấp thụ vốn ít thì dòng tiền vẫn tiếp tục chảy vào ngân hàng.
Nguyễn Trí Hiếu dự báo, những tháng đầu năm, tiền gửi tiết kiệm sẽ tiếp tục duy trì như hiện nay. Kênh tiền gửi luôn được ưa chuộng vì tính an toàn dù tỷ suất sinh lời không bằng các kênh đầu tư khác. Nhất là khi thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường vàng và chứng khoán biến động mạnh, tiềm ẩn rủi ro khiến xu hướng đầu tư còn chảy vào ngân hàng qua tiền gửi tiết kiệm. Hơn nữa, duy trì mức nền lãi suất huy động thấp chính là tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay để thực hiện khôi phục, phát triển kinh tế.
“Chỉ có kênh gửi tiết kiệm ngân hàng, dù lãi suất rất thấp nhưng vẫn an toàn. Chính vì thế, dòng tiền vẫn đổ về ngân hàng. Người gửi tiền vào ngân hàng cũng “quen” với mức lãi suất thấp này”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Nhận định cho năm 2024, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bất động sản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Giá bất động sản khó có khả năng tăng trở lại và “đột phá” như giai đoạn 2015-2022. Trong khi đó, chứng khoán vẫn chưa xác định được xu hướng tăng rõ ràng, trái phiếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn tìm lại thị trường, “xây dựng hình ảnh”, vàng cũng không phải là kênh trú ẩn an toàn khi tình kình kinh tế chính trị toàn cầu còn nhiều biến động khó lường.
Đào Vũ (T/h)