Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Mua ô tô trả góp bị ngân hàng ép thêm bảo hiểm,...

Mua ô tô trả góp bị ngân hàng ép thêm bảo hiểm, khách hàng cần làm gì?

0

Quy định pháp lý về việc cấm ép mua bảo hiểm vật chất khi vay mua ô tô hiện nay đã khá rõ ràng. Vì vậy, khách hàng nên nắm rõ để có thể đối chất với ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khi cần, thậm chí, có thể khiếu nại lên cơ quan chức năng để được can thiệp kịp thời nếu bị ép, gây khó dễ…

Từ đầu tháng 11/2023, nội dung “ngân hàng ràng buộc khoản vay bằng gói bảo hiểm” đã được đề cập trong Thông tư 67/2023/TT-BTC theo hướng các tổ chức tín dụng, ngân hàng không được ép mua bảo hiểm, không được ràng buộc khoản vay với dịch vụ bảo hiểm.

Tại khoản 3a, Điều 53 Thông tư 67/2023/TT-BTC, quy định: “Tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải giải thích cho bên mua bảo hiểm các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm là sản phẩm bảo hiểm. Việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức hoạt động đại lý”. Như vậy, với Thông tư này, hành vi ép mua bảo hiểm tự nguyện khi vay mua ô tô là bị cấm.

mua o to tra gop
Quy định pháp lý về việc cấm các ngân hàng, tổ chức tín dụng ép khách hàng mua bảo hiểm đính kèm khi vay trả góp mua ô tô đã rõ ràng.

Điều này càng được cụ hể hơn khi Luật các Tổ chức tín dụng 2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 tới đây. Tại Khoản 5, Điều 15 của Luật này quy định: “Cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.

Các quy định mới đã gỡ được nút thắt lớn đối với hoạt mua ô tô trả góp suốt nhiều năm qua, khi nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng trong và ngoài nước đều yêu cầu khách hàng phải mua thêm các gói bảo hiểm vật chất cho xe, bả hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn thương tích của bên vay… khiến cho phần vay bị đội giá trị lên khá nhiều, gây bức xúc cho người dân. Thậm chí, nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng còn phát hành luôn phần sản phẩm bảo hiểm đính kèm, giúp ngân hàng lợi đơn lợi kép còn khách hàng thì chịu thiệt gấp đôi…

Quy định đã có, tuy nhiên không phải người dân nào khi thực hiện các thủ tục vay trả góp mua ô tô cũng biết để bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân mình.

Theo các chuyên gia, khi bị ép mua bảo hiểm đính kèm gói vay, khách hàng nên nắm vững hai quy định kể trên để đối chất với đơn vị cho vay. Nếu tiếp tục bị gây khó dễ, có thể làm đơn khiếu nại gửi Cơ quan Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước) hoặc Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) để được can thiệp kịp thời.

Nguyên Đỗ (tổng hợp)

Link nguồn