Theo ông Đào Minh Tú, việc cho vay cung ứng tiền, dù ít hay nhiều đều có công cụ điều hòa lượng tiền đưa ra thông qua việc cho vay ngân hàng SCB.
Hoàn thiện định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc
Tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước(NHNN) đã thông tin liên quan đến xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan, trong đó có những sai phạm của SCB.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đối với SCB, từ tháng 10/2022 xảy ra mất cân đối thanh khoản, NHNN có chức năng và luật pháp cũng quy định những điều khoản phải thực hiện những biện pháp ổn định ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống.
Thực tế, SCB không phải là ngân hàng đầu tiên bởi trong quá khứ đã có những ngân hàng yếu kém, có những ngân hàng phải đưa vào kiểm soát đặc biệt và mua bắt buộc. Tuy nhiên, SCB là một trong những những ngân hàng có quy mô, tổng tài sản lớn nên giải pháp xử lý cũng phải đủ lớn để thực hiện.
Ông Tú thông tin, NHNN tiếp tục xây dựng lộ trình tái cơ cấu ngân hàng này từng bước, mghiên cứu khẩn trương, tích cực tìm ra giải pháp cơ chế, tạo điều kiện cho SCB từng bước ổn định, phục hồi và hoạt động bình thường.
Trong các biện pháp ổn định SCB, có những khoản cho vay của NHNN đối với ngân hàng thương mại yếu kém. Việc cho vay cung ứng tiền, dù ít hay nhiều đều có công cụ điều hòa lượng tiền đưa ra thông qua việc cho vay ngân hàng SCB.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, quan điểm của NHNN là tất cả các sai phạm do cá nhân gây ra. Các chính sách, quy định về cho vay, quản lý của Chính phủ, của ngành đã đầy đủ, rõ ràng.
“Những vi phạm là do cố tình thực hiện sai các quy định của Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các cơ quan chức năng đã và đang xử lý rất nghiêm minh các cá nhân có liên quan”, ông Tú nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thống đốc, chức năng của Chính phủ, của Ngân hàng Trung ương các nước khi các NHTM khó khăn đều phải có những giải pháp cụ thể, kịp thời để đảm bảo cho ngân hàng đó không đổ vỡ, gây hệ lụy chung cho hệ thống tài chính cũng như an toàn của các hệ thống ngân hàng thương mại. Chính vì thế, quốc gia nào cũng phải có những giải pháp cụ thể.
Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện khâu thủ tục là định giá, để đưa vào đề án tái cơ cấu trong thời gian tới đốivới 3 ngân hàng mua bắt buộc.
Tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023
Thông tin về kết quả điều hành quý I, NHNN cho biết tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Về điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau 4 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp;
Tiếp tục khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các NHTM giảm so với cuối năm 2023.
Tín dụng trong tháng 3/2024 đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.
NHNN điều hành tỉ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỉ giá.
Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỉ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD.
Đối với thị trường vàng, NHNN đang triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường vàng, bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu.
Công tác thanh tra, giám sát các TCTD tiếp tục được chú trọng tăng cường, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.
NHNN tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” theo chỉ đạo của các cấp. Khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện.
Nguyễn Thị Thu Hương