So với thời điểm đầu năm, thị giá FPT đã tăng đến 43,6% lên 138.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá thị trường cũng tăng 53.465 tỷ đồng lên mức 175.255 tỷ đồng (7 tỷ USD).
Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) vừa công bố kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm với doanh thu đạt 18.989 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.447 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,6% và 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cấn trừ đi các chi phí, tập đoàn mang về 2.932 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 1.798 tỷ đồng, tăng trưởng 20,4%, EPS tương ứng 1.933 đồng/cổ phiếu.
Năm 2024, FPT đặt mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đồng loạt tăng khoảng 18% so với kết quả năm 2023. Như vậy, với kết quả đạt được sau 4 tháng đầu năm, tập đoàn đã hoàn thành 31% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Về cơ cấu doanh thu, khối công nghệ vẫn giữ vai trò chủ lực khi đóng góp 60% với 11.455 tỷ đồng doanh thu và 1.548 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng trưởng lần lượt 25% và 26% so với cùng kỳ.
Theo tập đoàn, mảng dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài trong 4 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng mạnh với mức doanh thu 9.450 tỷ đồng, tăng 29%. Trong đó, thị trường Nhật Bản tăng trưởng 34% và APAC tăng gần 32%.
Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt mức 13.940 tỷ đồng, tương đương mức tăng 13%. Trong 4 tháng đầu năm, FPT thắng thầu 20 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD/dự án. Mảng dịch vụ công nghệ thông tin trong nước ghi nhận doanh thu 2.005 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.
Đối với khối dịch vụ viễn thông, chiếm 28% doanh thu và 32% lãi trước thuế FPT, tương ứng 5.365 tỷ đồng và 1.116 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 6% và 13% so với cùng kỳ. Cuối cùng, mảng giáo dục ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 42%, đạt 2.169 tỷ đồng, lãi trươsc thuế cũng tăng 17% lên 784 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh tích cực cộng với việc bắt tay với đại gia công nghệ NVIDIA đã thúc đẩy giá cổ phiếu FPT tăng phi mã từ đầu năm tới nay.
Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay (22/5) mới giao dịch tổng cộng 93 phiên, mã này đã có tới 24 lần thiết lập đỉnh mới. Đồng nghĩa với việc bình quân cứ 4 phiên, FPT lại vượt đỉnh một lần.
Kết phiên 22/5, mã FPT tiếp tục thiết lập đỉnh mới với tăng 1,47% lên 138.000 đồng/cổ phiếu và dẫn đầu đà tăng của thị trường.
So với thời điểm đầu năm, thị giá mã này đã tăng đến 43,6%. Vốn hoá thị trường theo đó cũng tăng 53.465 tỷ đồng lên mức 175.255 tỷ đồng (7 tỷ USD). Kết quả này đã đưa FPT xếp thứ 8 trong danh sách các công ty niêm yết và xếp thứ 10 toàn sàn chứng khoán Việt Nam.
Theo kế hoạch, trong quý II/2024, FPT thực hiện trả nốt số cổ tức còn lại năm 2023 bằng tiền mặt tỉ lệ 10% (1.000 đồng/cổ phiếu). Dự kiến FPT sẽ chi khoảng 1.200 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.
Trước đó vào tháng 7/2023, công ty đã tạm ứng cổ tức 10% bằng tiền mặt. Như vậy, tổng tỉ lệ cổ tức năm 2023 của FPT là 20% bằng tiền. Sang năm 2024, tập đoàn dự kiến giữ nguyên mức cổ tức tiền mặt 20%.
Về kế hoạch tăng tỉ lệ trả cổ tức, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của FPT, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Phương cho biết, tập đoàn sẽ vẫn duy trì chính sách trả cổ tức 20% bằng tiền. Ngoài ra, hàng năm FPT vẫn có chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng giúp cổ đông gia tăng lượng cổ phiếu nắm giữ.
Nguồn vốn trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 (hơn 8.600 tỷ đồng).
Nếu thành công, vốn điều lệ của FPT sẽ tăng từ 12.700 tỷ đồng lên 14.605 tỷ đồng. Thời gian thực hiện không muộn hơn quý III/2024. Ngày chốt danh sách đăng ký cuối cùng sẽ cùng thời điểm chốt quyền nhận cổ tức còn lại của năm 2023.
Trần Thị Tú Anh