Sau khi mua lại Bệnh viện FV với giá trị hơn 9.000 tỷ đồng, Tập đoàn Y tế Thomson kỳ vọng sẽ mở rộng, thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị chăm sóc sức khỏe Đông Nam Á.
Phi vụ M&A lớn nhất ngành y tế Việt Nam
Thông tin “Bệnh viện Pháp – Việt (FV) trở thành thành viên chính thức của Tập đoàn Y tế Thomson” được tung ra vào ngày 17/1/2024. Tưởng chừng đây chỉ là một thông báo “vô thưởng vô phạt” nhưng đằng sau đó lại là một phi vụ M&A đình đám của ngành y tế.
Theo đó, Tập đoàn Y tế Thomson đã mua lại 100% quyền sở hữu Bệnh viện FV trị giá hơn 9.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 381,4 triệu USD). Sự kiện trên được xem là thương vụ mua lại bệnh viện lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam đồng thời là thương vụ M&A ngành chăm sóc sức khỏe lớn nhất Đông Nam Á kể từ năm 2020.
Năm 2003, Bệnh viện FV do bác sĩ Jean-Marcel Guillon cùng một nhóm bác sĩ người Pháp thành lập, tọa lạc tại quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 26.300 m2. FV là bệnh viện tư nhân 100% vốn nước ngoài với công ty chủ quản là Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam.
Ngoài Bệnh viện FV, Y tế Viễn Đông còn đang vận hành Phòng khám đa khoa FV Sài Gòn. Tính đến cuối năm 2023, bệnh viện có quy mô gần 200 giường, hơn 30 chuyên khoa và có khả năng tiếp nhận 1.500 lượt bệnh nhân mỗi ngày.
Tại thời điểm chuyển giao phi vụ nghìn tỷ trên, Y tế Viễn Đông có vốn điều lệ hơn 27 triệu USD, tương đương khoảng 520 tỷ đồng. Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của doanh nghiệp vẫn được giữ nguyên là bác sĩ người Pháp Jean-Marcel Guillon.
Doanh thu tăng trưởng, lợi nhuận vẫn bấp bênh
Trong báo cáo thường niên năm 2023, Tập đoàn Y tế Thomson nhấn mạnh, thông qua M&A Bệnh viện FV thể hiện tầm quan trọng của thị trường chăm sóc sức khỏe đang phát triển mạnh của Việt Nam. Đồng thời, mở đường cho Thomson hiện thực hóa chiến lược mở rộng sang Đông Nam Á.
“Việc mua lại Bệnh viện FV không chỉ là sự bổ sung tài sản chiến lược mà còn thể hiện sự gia nhập của chúng tôi vào một thị trường đang phát triển nhanh chóng và cơ hội khai thác nhiều cơ hội khác trong chuỗi giá trị chăm sóc sức khỏe”, báo cáo thường niên năm 2023 của Thomson nêu rõ.
Thông tin thêm về chủ sở hữu Singapore của Bệnh viện FV, Tập đoàn Y tế Thomson thành lập vào năm 1979, là một trong những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân lớn nhất cho phụ nữ và trẻ em tại Singapore. Thomson sở hữu và vận hành Trung tâm Y tế Thomson và một bệnh viện phụ sản với 187 giường, chăm sóc hơn 20% trẻ sơ sinh được sinh ra ở Singapore hàng năm.
Đồng thời, hệ thống y tế trên đang vận hành mạng lưới gồm 37 phòng khám và cơ sở y tế chuyên khoa, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngoại trú cho phụ nữ và trẻ em cũng như các dịch vụ liên quan.
Về tình hình tài chính của Thomson, giai đoạn từ 2019-2020, doanh thu của tập đoàn y tế đến từ Singapore giao động trong khoảng 220 triệu USD. Bước sang năm 2021, doanh thu của Thomson ghi nhận tăng trưởng liên tục. Từ 240,4 triệu USD vào năm 2021 lên 355,8 triệu USD vào năm 2023, tương đương tăng 48%.
Về cơ cấu lợi doanh thu năm 2023, dịch vụ y tế đóng góp 52,4% cơ cấu doanh thu, tương đương với 186 triệu USD. Đứng sau đó là doanh thu từ các dịch vụ và các dự án đầu tư chuyên ngành với 47,5% cơ cấu, đạt 169 triệu USD.
Theo khu vực, doanh thu năm 2023 của Thomson chủ yếu đến từ nước chủ nhà Singapore với 73,2% cơ cấu. Dù chiếm phần lớn nhưng cơ cấu doanh thu tại Singapore có sự thu hẹp nhẹ, nhường chỗ một phần cho doanh thu đến từ thị trường Malaysia.
Ngược lại với đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Thomson ghi nhận nhiều bấp bênh. Giai đoạn từ 2021-2023, lợi nhuận của Thomson sau khi đạt đỉnh 58,6 triệu USD vào năm 2022 đã sụt giảm 30% xuống còn 41,1 triệu USD vào năm 2023.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Tập đoàn Y tế Thomson đạt 1.447 triệu USD, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nợ và vay tài chính đạt 747 triệu USD.
Tại buổi lễ công bố Bệnh viện Pháp – Việt (FV) trở thành thành viên chính thức của Tập đoàn Thomson, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, mạng lưới khám chữa bệnh trong nước vẫn đang chủ yếu dựa vào hệ thống y tế công lập do Chính phủ đầu tư trong khi đó, hệ thống y tế tư nhân mới chiếm khoảng 7% trong hệ thống chữa bệnh tại Việt Nam.
Để đạt được những chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành y tế không thể thiếu sự đóng góp của hệ thống y tế tư nhân. Hệ thống y tế tư nhân phát triển góp phần cùng hệ thống y tế công lập đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, giúp ngành y tế ngày càng phát triển, giúp chia sẻ với hệ thống y tế công mà quan trọng là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.
Nguyễn Phương Anh