Đất nền ở một số huyện ngoại thành Hà Nội ghi nhận có sự tăng giá cao ở phân khúc đất nền. Tuy nhiên, tình hình thanh khoản với phân khúc này vẫn tương đối chậm.
Kịch bản không mới với đất nền ven đô
Sau giai đoạn thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trầm lắng (2022 – 2023), bước sang năm 2024 nhu cầu về đầu tư đất nền tại các khu vực ngoại thành Hà Nội lại bắt đầu “ấm” dần lên, theo Kinh tế & Đô thị. Số liệu báo cáo thị trường từ trang thông tin batdongsan.com.vn mức độ quan tâm đến sản phẩm đất nền ở thị trường Hà Nội đã tăng khoảng 33% so với giai đoạn cuối năm 2023. Đáng chú ý, trong quý I/2024 mức độ quan tâm tăng đến 48% so với quý IV/2023.
Trong đó, tập trung ở một số “điểm nóng” trước đây là: Đông Anh, Hoài Đức, Thạch Thất… là những địa bàn tập trung nhiều công trình hạ tầng giao thông, đô thị, nhà ở đã được phê duyệt từ trước đây, hiện nay đang bắt tay vào triển khai thực hiện. Có thể kể đến như: dự án đường Vành đai 3,5, Vành đai 4 đi qua huyện Hoài Đức hay dự án TP thông minh tại huyện Đông Anh…
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam TS Nguyễn Văn Đính, việc hệ thống pháp lý đã được sửa đổi, bổ sung với nhiều quy định mới cở mở, thông thoáng hơn đang từng bước vực lại niềm tin cho các chủ thể tham gia thị trường; cùng với sự phục hồi của nền kinh tế nên nhiều nhà đầu tư đã trở nên tự tin hơn với quyết định quay trở lại thị trường để chuẩn bị cho một giai đoạn phục hồi mới.
Để tránh xảy ra những đợt “sốt ảo” gây nhiễu loạn và ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của thị trường Bất động sản, vì vậy phía các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải bám sát diễn biến của thị trường, để không xảy ra tình trạng nhiễu loạn; cùng với đó là chuẩn bị các phương án để kịp thời xử lý khi có sự cố “tạo sóng” của đầu cơ xảy ra.
“Chúng ta có thể nhận thấy giá đất nền đã tăng trở lại, nhưng nó chỉ diễn ra ở một số khu vực chứ không phải tăng đồng loạt trên toàn thị trường. Những khu vực có xu hướng tăng đều nằm ở địa điểm có các dự án đã được quy hoạch trước đây, hiện nay đang được bắt tay vào triển khai thực hiện. Ngoài ra, với việc các doanh nghiệp BĐS lớn đẩy mạnh đầu tư các dự án nhà ở, khu đô thị cũng là nguyên nhân khiến thị trường đất nền “ấm” trở lại tại những khu vực lân cận với dự án” – TS Nguyễn Văn Đính phân tích.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thời điểm hiện tại cùng với nguồn cung các sản phẩm nhà ở khan hiếm, thì quỹ đất ở những đô thị lớn như Hà Nội cũng hạn hẹp dần do quá trình đô thị hóa và việc đẩy mạnh sử dụng quỹ đất để phục vụ xây dựng hạ tầng đô thị… nên trong thời gian tới giá đất nền dự báo sẽ tiếp tục gia tăng. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến nhà đầu tư trở lại quan tâm với sản phẩm này, và theo tất yếu của thị trường khi sự quan tâm tăng thì giá bán cũng tăng theo. Nhưng qua thực tế thì mặc dù mức độ quan tâm và giá bán có tăng nhưng mức độ thanh khoản thì lại tương đối chậm.
“Từ đầu năm đến nay, giá đất và các sản phẩm nhà ở tại địa bàn có ghi nhận tăng nhẹ, nhưng qua thực tế thống kê hồ sơ giao dịch chúng tôi nhận thấy số lượng giao dịch được thực hiện rất ít và không có sự gia tăng đột biến so với thời gian trước. Người dân và cả nhà đầu tư dường như vẫn giữ ở mức độ thăm dò thị trường nhiều hơn” – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc Nguyễn Xuân Tưởng cho hay.
Trước bối cảnh tăng giá của thị trường đất nền các khu vực ngoại thành Hà Nội thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, theo chu kỳ của thị trường cứ sau mỗi giai đoạn khủng hoảng thì sẽ hồi phục và tăng giá, kịch bản này không mới nên người dân vẫn cần phải cảnh giác với những chiêu trò “tạo sóng” của một số nhà đầu cơ, để tránh những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.
Phân khúc bất động sản “nóng nhất” trong nửa đầu năm 2024
Báo Đầu Tư dẫn tài liệu phục vụ Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản ghi nhận khoảng 253.000 giao dịch thành công, tăng khoảng 10,26% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, Bộ cho biết, phần lớn lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền.
Không chỉ vậy, sau thời gian dài rơi vào tình trạng khan hiếm, nguồn cung cũng đang có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn. Hàng loạt dự án cũ được tái khởi động và nhiều dự án mới mở bán trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, về nhà ở thương mại, cả nước có 18 dự án hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới và 984 dự án đang triển khai.
Đối với phân khúc nhà ở xã hội, có 8 dự án đã được hoàn thành trong 6 tháng vừa qua. Vậy là từ năm 2021 tới nay, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. Trong đó, 75 dự án đã hoàn thành, tương ứng với 39.884 căn.
Về giá giao dịch, giá căn hộ chung cư đã liên tục tăng từ cuối năm 2023 cho đến thời điểm hiện tại, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
“Với loại hình nhà ở riêng lẻ và đất nền, giá giao dịch cũng có xu hướng tăng. Nguyên nhân được cho là do giá chung cư tăng cao và nguồn hàng khan hiếm khiến giá bán ở phân khúc này cũng tăng mạnh”, Bộ Xây dựng lý giải việc các phân khúc khác cũng đồng loạt bị đẩy giá.
Đào Vũ (T/h)