Do phải trích lập dự phòng thêm khoản phải thu khó đòi của Bamboo Airways trị giá 73,8 tỷ đồng khiến SAGS báo lãi sau thuế giảm 15% so với cùng kỳ.
CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS, HoSE: SGN) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với doanh thu thuần 380,2 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Do đà tăng của giá vốn chậm hơn đà tăng của doanh thu nên lãi gộp tăng 10% lên 125 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 40% lên gần 50,6 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng thêm khoản phải thu khó đòi của Bamboo Airways trị giá 73,8 tỷ đồng, tăng 28% và Vietravel 8,7 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo SAGS cho biết thêm, sản lượng phục vụ các đường bay quốc tế ở mức cao tuy nhiên sản lượng phục vụ đường bay nội địa giảm khá sâu do công ty đã ngưng cung cấp dịch vụ cho Bamboo Airways kể từ 1/1 và hãng Vietjet bảo trì một số động cơ máy bay.
Kết quả, SAGS lãi sau thuế 69,8 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 749 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ; song lợi nhuận sau thuế giảm 4% về 125,4 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng nợ khó đòi.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của SAGS tăng 9% so với hồi đầu năm lên 1.405 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn 883,6 tỷ đồng – chiếm gần 63% tổng tài sản và tăng 17% so với đầu năm. Tuy nhiên, khoản lãi tiền gửi ngân hàng lại giảm 80% so với cùng kỳ xuống gần 3,3 tỷ đồng do lãi suất gửi tiết kiệm ở mức thấp.
Các khoản phải thu ngắn hạn ở mức 412 tỷ đồng, giảm hơn 4% so với đầu năm. Trong đó có gần 88 tỷ đồng phải thu khó đòi, riêng Bamboo Airway trích lập 73,8 tỷ đồng như đã nêu ở trên.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của SAGS tăng 33% lên 367,4 tỷ đồng. Trong đó, phải trả người lao động tăng 44%, lên 147 tỷ đồng; phải trả ngắn hạn khác tăng gấp 10 lần lên 94 tỷ đồng và quỹ khen thưởng phúc lợi tăng 30 lần lên hơn 18 tỷ đồng. Hiện SAGS đang không có khoản vay nợ nào.
Bên cạnh việc phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất, thời gian tới SAGS còn chuẩn bị cho việc dự thầu ở sân bay Long Thành. Theo phương án nghiên cứu khả thi, khi bắt đầu khai thác giai đoạn 1 thì 80% đường bay quốc tế sẽ chuyển về Long Thành. Với SAGS, khách quốc tế mới là nguồn mang lại lợi nhuận lớn cho công ty.
Nếu trúng thầu ở Long Thành, công ty sẽ chi 123 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Trần Thị Tú Anh