Mùa cưới đi kèm với nhu cầu lớn về trang sức vàng, nhưng sự tăng giá vàng gần đây đã khiến nhiều cặp đôi gặp khó khăn trong việc chọn mua hay thuê trang sức. Họ tìm kiếm giải pháp vừa tiết kiệm vừa đảm bảo ý nghĩa cho ngày trọng đại.
Áp lực mang tên vàng cưới
Mùa cưới luôn là thời điểm sôi động của thị trường vàng, khi nhu cầu mua sắm trang sức và tích trữ tăng cao. Đối với nhiều cặp đôi, vàng không chỉ là món quà ý nghĩa trong ngày trọng đại mà còn là cách tích lũy tài sản an toàn, bảo toàn giá trị lâu dài.
Trong văn hóa cưới hỏi của người Việt, việc tặng vàng cưới còn tượng trưng cho sự giàu có, may mắn và lời chúc về cuộc sống sung túc trong tương lai. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá vàng tăng cao đã khiến nhiều cặp đôi phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc mua sắm.
Chị Dung Nhi (26 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ rằng khi chuẩn bị cho đám cưới, vợ chồng chị đã rất đắn đo trong việc mua vàng.
“Với giá vàng tăng cao như hiện nay, chúng tôi cảm thấy khá áp lực. Vì vậy, hai vợ chồng quyết định chỉ mua một ít trang sức vàng cho lễ cưới để giữ phần ý nghĩa, còn lại sử dụng các trang sức khác để giảm chi phí,” chị Nhi cho biết.
Chị Ngọc Anh (25 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng đồng cảm với nỗi lo về việc mua vàng cưới trong thời điểm giá vàng tăng cao.
“Sau khi tham khảo thị trường, thấy giá vàng quá cao, hai vợ chồng phải tính toán lại. Thay vì mua bộ trang sức vàng lớn, chúng tôi chỉ mua nhẫn cưới và một số món trang sức nhỏ để làm kỷ niệm, còn lại đầu tư vào những khoản khác thiết thực hơn như tiền mừng cưới và quỹ tiết kiệm sau cưới”, chị Phương chia sẻ.
Với nhiều cặp đôi trẻ, việc tổ chức đám cưới không chỉ là làm theo truyền thống mà còn phải cân nhắc yếu tố thực tế về kinh tế và cuộc sống sau hôn nhân.
“Trước đây, ông bà, bố mẹ thường coi trọng việc sở hữu vàng vì đó là cách tích lũy tài sản. Nhưng hiện tại, với chi phí sinh hoạt và lập nghiệp cao, mình ưu tiên việc có một khoản dự phòng tài chính sau hôn lễ hơn là dồn hết vào vàng”, chị Ngọc Anh nói.
Tương tự, anh Mạnh Cường (30 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) và vợ cũng gặp phải những băn khoăn khi lên kế hoạch mua vàng cho lễ cưới của mình.
“Ban đầu, hai vợ chồng dự định mua một bộ trang sức vàng đầy đủ gồm kiềng, lắc tay và nhẫn để đúng với truyền thống cưới hỏi của gia đình hai bên. Tuy nhiên, với mức giá vàng hiện nay, việc mua một trang sức lớn thực sự không phù hợp với ngân sách của hai vợ chồng”, Cường chia sẻ.
Ngoài chi phí vàng cưới, cặp đôi còn phải đối mặt với rất nhiều khoản khác như thuê địa điểm, tổ chức tiệc cưới, chụp ảnh cưới, và chuẩn bị nhà cửa sau hôn lễ.
Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, họ quyết định chọn phương án thuê trang sức, vàng cưới thay vì mua.
“Thuê trang sức cho đám cưới đang là một xu hướng phổ biến hiện nay, và sau khi tham khảo ý kiến từ bạn bè, chúng tôi thấy đây là một giải pháp hợp lý. Không chỉ giúp giảm đáng kể chi phí mà việc thuê trang sức còn giúp chúng tôi không phải lo lắng về việc bảo quản hay giữ gìn vàng sau khi lễ cưới kết thúc”, anh Cường chia sẻ.
“Tự do lựa chọn theo hoàn cảnh của mình là tốt nhất”
Không chỉ riêng anh Cường, nhiều người cũng có xu hướng đi thuê vàng, trang sức cho đám cưới để tiết giảm chi phí mà vẫn đảm bảo ý nghĩa cho ngày cưới.
Còn tại đơn vị cho thuê trang sức ở Thái Hà, khi phóng viên hỏi giá cho thuê, đại diện cửa hàng này trả lời cho thuê 10% giá trị sản phẩm và có tới 250 mẫu để khách hàng có thể lựa chọn. Khách hàng sẽ phải qua trực tiếp cửa hàng để có thể lựa chọn sản phẩm, mẫu mã.
Ngoài ra, cũng có không ít đơn vị công khai bảng giá trên website. Công ty TNHH Thương mại Vàng bạc Đá quý Anh Phương cho thuê vàng cưới với mức giá từ 900.000 đồng – 2,2 triệu đồng một ngày (trả trước 12h ngày hôm sau) với mức tiền cọc 8 – 10 triệu đồng tùy theo bộ trang sức mà khách lựa chọn.
Trao đổi với Người Đưa Tin, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ – nguyên giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) nhận định, người ta thường ví quý như vàng. Từ xưa đến nay, vàng luôn có giá trị lớn, biểu tượng cho sự cao cả sang trọng. Vàng còn là trang sức làm đẹp, làm sang cho cuộc sống.
Khi chưa đủ tích lũy được vàng, cặp đôi trong đám cưới có thể thuê cho thêm phần sang trọng, đồng thời nhắc mình cố gắng xây dựng gia đình trong tương lai giàu sang.
“Tuy nhiên, theo tôi, việc thuê vàng cho đám cưới cũng như thuê áo quần, hội trường, mâm cỗ, phù rể, phù dâu… Thích thì thuê, không thích thì thôi. Không mang tính bắt buộc hay thượng tôn pháp luật.
Không nên đua đòi và đặc biệt là cần sự bàn bạc đồng thuận của đôi tân hôn, đôi bên thông gia để tránh tâm lý bất đồng và lời ra tiếng vào.
Vàng quý giá thật đấy. Nhưng tất cả những gì quý giá về vật chất, về tinh thần, hoặc cả hai, khi mừng cho nhau đều mang ý nghĩa chúc phúc, muốn đem lại sự may mắn trong cuộc sống. Chính vì vậy, tự do lựa chọn theo hoàn cảnh của mình là tốt nhất. Đừng nên lệ thuộc vào đa số”, ông Vĩ nói.