Mức lương tối thiểu ở Đông Nam Á đang tăng mạnh. Xu thế này có thể cản trở thu hút đầu tư nước ngoài khi khu vực Đông Nam Á mất đi lợi thế là trung tâm lao động giá rẻ.
Tại Campuchia, nơi ngành công nghiệp dệt chiếm 60% tỷ trọng xuất khẩu, nhà sản xuất tóc giả Nhật Bản Artnature đã bán một nhà máy dệt cho một doanh nghiệp Hồng Kông vào năm ngoái, chỉ 3 năm sau khi thành lập. Chi phí lao động gia tăng là một trong những yếu tố quyết định thương vụ này.
Tại Campuchia, mức lương tối thiểu hàng tháng do chính phủ quy định – thường áp dụng cho các công việc liên quan đến may mặc – là 170 USD, tăng 11,1% so với năm ngoái và gấp gần 3 lần mức lương của năm 2012.
Đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Husen kiểm soát Quốc hội sau cuộc bầu cử vào tháng 2 và tháng 7 đang thúc đẩy tăng lương nhằm nhận sự ủng hộ từ công chúng.
Vào tháng 3/2018, ông Hunsen cho biết mức lương tối thiểu sẽ tăng lên 250 USD/tháng vào năm 2023. Đây là mức lương vượt qua mức lương tối thiểu của Malaysia, một trong những nền kinh tế tiên tiến ở Đông Nam Á.
Ở một quốc gia khác trong khu vực là Myanmar, mức lương tối thiểu đã tăng 33% kể từ tháng 5 lên mức 3 USD/8h làm việc. Chi phí lao động chiếm 70 đến 80% chi phí hoạt động may gia công cho các thương hiệu may mặc nước ngoài. Khoảng 10 trên tổng số 550 nhà máy may mặc của Myanmar đã đóng cửa vì nhiều lý do bao gồm cả chi phí cao, ông Myint Soe – Chủ tịch Hiệp hội sản xuất hàng may mặc Myanmar cho biết.
Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đứng đầu đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vào năm 2020, kéo theo chính phủ nước này đang nỗ lực để nâng cao mức sống cho người dân.
Trong khi đó, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Win Myint bày tỏ mối quan tâm về năng suất thấp tại các nhà máy và cảnh báo việc tăng lương liên tục cho công nhân sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của Myanmar.
Mức lương tối thiểu cao hơn làm tăng sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc tăng lương vượt quá mức tăng trưởng kinh tế và tăng giá có thể khiến doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động ở những quốc gia này bị giảm sút, làm giảm đầu tư.
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Thương mại bên ngoài Nhật Bản, 40% công ty Nhật Bản hoạt động ở châu Á và châu Đại Dương cho biết lợi nhuận giảm trong năm 2018 và chi phí nhân công tăng đóng vai trò quan trọng trong lựa chọn đầu tư.
“Tiền lương đang tăng lên trong khi việc cải thiện năng suất bị lãng quên”, Shinsuke Goto của Tập đoàn Trust Venture Partners cho biết.
Một số quốc gia trong khu vực đã nỗ lực giữ cho mức tăng lương cơ bản tương xứng với mức tăng năng suất lao động. Trong năm 2015, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vượt Indonesia bởi lẽ Việt Nam đã phát triển thành một trung tâm sản xuất toàn cầu. Mức lương tối thiểu đã tăng hơn 2 lần kể từ năm 2011 và tỷ lệ tăng hàng năm là 2 lần cho đến năm 2016. Việc này làm xói mòn lợi thế chi phí rẻ của Việt Nam so với các đối thủ như Trung Quốc. Tốc độ tăng lương cơ bản đã chậm lại, mức tăng dự kiến năm 2019 là 5,3%.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất làm suy yếu tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi. Người dân ở các nước phụ thuộc nhập khẩu như Myanmar đang yêu cầu được trả lương cao hơn để đối phó với việc gia tăng chi phí sinh hoạt.
Lào, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, phải đối mặt với tình trạng tương tự Myanmar. Quốc gia này đã tăng mức lương tối thiểu 22% lên khoảng 130 USD/tháng trong năm nay, gấp 3 lần mức năm 2012, khi mà đồng tiền yếu hơn đẩy giá các sản phẩm nhập khẩu tăng lên.
Malaysia sẽ tăng lương tối thiểu toàn quốc vào tháng 1/2019, giữ đúng lời hứa trong chiến dịch tranh cử của Thủ tường Mahathir Mohamad. Nếu chính phủ tuân theo kế hoạch đặt ra trong tuyên bố của liên minh cầm quyền, mức lương sẽ tăng 43% trong vòng 5 năm.
Chuyên gia kinh tế Koji Kobayashi thuộc Viện nghiên cứu Mizuho – Nhật Bản cho biết: “Đầu tư vào nguồn lực chuyên sâu thì những lĩnh vực phụ thuộc vào lao động sẽ ngừng hoạt động”.
Đó sẽ là thách thức mà các quốc gia Đông Nam Á – vốn dựa vào lợi thế lao động giá rẻ phải đối mặt.
Theo Hoàng Lan/Vietnamfinace