Home Ấn tượng 24H PNJ muốn ‘tăng trưởng 2 con số’ trong 5 năm tới

PNJ muốn ‘tăng trưởng 2 con số’ trong 5 năm tới

0

PNJ tin rằng có thể giữ được tăng trưởng 2 con số trong 5 năm tới

Mặc dù xu hướng tiêu thụ trang sức trên thế giới sụt giảm nhưng ban lãnh đạo PNJ tin rằng tiềm năng cho mức tăng trưởng 2 con số của PNJ vẫn có thể đảm bảo ít nhất trong 5 năm tới.

‘Giải mã’ việc doanh thu và lợi nhuận 9 tháng của PNJ tăng kỷ lục

Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam vừa đưa ra báo cáo nhận định về Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) với nhiều thông tin đáng chú ý.

9 tháng năm nay, cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PNJ tăng kỷ lục 35% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 10.500 tỷ đồng và 700 tỷ đồng. KIS Việt Nam nhận định, động lực tăng trưởng lớn nhất của PNJ đã, đang và sẽ chính là mảng vàng trang sức chủ đạo – chiếm tỷ trọng 92% tổng lợi nhuận gộp và gần 100% tăng trưởng lợi nhuận của PNJ.

Theo ban lãnh đạo PNJ, mức doanh số và lợi nhuận tăng vọt trong 9 tháng đầu năm 2018 có thể được giải thích bởi 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, tăng trưởng doanh thu trên mỗi cửa hàng trang sức vàng hiện hữu – “SSSG – same store sales growth” – vẫn tiếp tục duy trì ở mức khá cao (23%). Đây là sự kết hợp của việc: giá mỗi đơn hàng tăng 15%, đạt mức 17 triệu đồng/đơn hàng trung bình; tốc độ tăng khách hàng mới đạt 50%; lượng quay lại của khách hàng cũ và mức độ trung thành tăng 58%, đã tạo nên mức tăng trưởng doanh số khá tốt cho các cửa hàng vàng hiện hữu.

Thứ hai, PNJ tiếp tục mở mới thêm 41 cửa hàng bán lẻ, hiện đạt 243 cửa hàng PNJ Gold. Một nửa trong số đó nằm ở các trung tâm thương mại (TTTM), đón đầu xu hướng của giới trẻ và các gia đình hiện đại. Ban lãnh đạo PNJ chia sẻ sẽ tiếp tục mở thêm cửa hàng ở những vị trí tốt, dàn trải đều ở cả đô thị lớn truyền thống như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, các thành phố cấp 2 và khu vực phía Bắc khó khăn trước đây.

Thứ ba, PNJ đã ra mắt nhiều bộ sưu tập trang sức đá quý và vật phẩm phong thủy cao cấp hơn với thiết kế đẹp mắt, cải thiện biên lợi nhuận gộp của mảng vàng trang sức lên 21,4%, cao nhất trong 3 năm qua.

Xét về các mảng còn lại, mảng trang sức bạc sau giai đoạn thu hồi sản phẩm và tái định vị nửa đầu 2018, hiện đã đem về lợi nhuận gộp 127 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục đóng góp khoảng 6%-7% tổng lợi nhuận gộp của công ty.

Ban lãnh đạo PNJ cho biết công ty này chủ trương không mở thêm cửa hàng PNJ Silver (hiện đạt 63 cửa hàng) kể từ đầu năm vì doanh số trung bình/cửa hàng bạc tương đối thấp. Mảng bán buôn vàng miếng cũng liên tục bị thu hẹp do định hướng tập trung sang mảng vàng trang sức của PNJ.

Thách thức nào đang chờ PNJ?

KIS Việt Nam cho hay, kể từ Nghị định 24-NĐCP năm 2012 về việc siết chặt quản lý vàng miếng, cộng với việc thu nhập của giới trung lưu Việt Nam tăng trưởng phi mã sau giai đoạn khủng hoảng 2008-2012, nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức tại Việt Nam đã tăng trưởng đều đặn 9,5% CAGR, lên 16,5 tấn tính đến cuối năm 2017 – chiếm 30% tổng lượng tiêu thụ trên thị trường vàng, so với tỷ trọng nhỏ bé 12% của 5 năm trước đó.

“Hơn nữa, với văn hóa tặng quà cưới, nhu cầu gìn giữ trang sức giá trị chống lạm phát và xu hướng thích thể hiện bản thân của người châu Á, chúng tôi cho rằng Việt Nam cũng sẽ sớm lấp đầy khoảng cách tiêu thụ vàng trang sức/đầu người so với các nước phát triển có truyền thống tiêu thụ vàng trang sức lâu đời như Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore, v.v”, KIS Việt Nam nhìn nhận.

Với bối cảnh triển vọng như vậy, trong nội tại thị trường vàng trang sức, KIS Việt Nam đánh giá cơ hội cho PNJ vẫn còn rất lớn khi có đến 80% thị phần bị chiếm lĩnh bởi 12.000 cửa hàng trang sức nhỏ lẻ địa phương.

“Xét đến việc Thông tư 22/2013 siết chặt quản lý hàm lượng vàng trong trang sức của các cửa hàng nhỏ lẻ và việc khách hàng ngày càng chú trọng các thương hiệu uy tín như PNJ, chúng tôi cho rằng việc PNJ mở rộng địa bàn và chiếm lĩnh thị phần của nhóm này chỉ là vấn đề thời gian – xét đến lợi thế cạnh tranh về đội ngũ thiết kế sáng tạo hàng đầu, 1.000 thợ chế tác kim hoàn cao cấp và hệ thống gần 300 cửa hàng rộng khắp của PNJ”, KIS Việt Nam nêu quan điểm

Mặc dù đánh giá cao chiến lược cũng như kết quả kinh doanh của PNJ nhưng KIS Việt Nam vẫn cho rằng, PNJ sẽ phải đối mặt với rủi ro không nhỏ trong dài hạn ở mảng kinh doanh vàng trang sức – mảng kinh doanh đang là chủ đạo của PNJ.

Tuy nhiên, theo KIS Việt Nam, không thể chối cãi được rủi ro dài hạn của ngành trang sức Việt Nam nói chung và PNJ nói riêng, bởi xu hướng tiêu thụ trên thế giới đang đi ngược lại.

Theo nghiên cứu của Deloitte năm 2017 về xu hướng tiêu dùng hàng xa xỉ (luxury) của thế hệ Millenials toàn cầu, thế hệ Y này đang có sự thay đổi hành vi chóng mặt: đối với mặt hàng xa xỉ, họ không còn quan tâm đến thương hiệu và tầm ảnh hưởng của các đoạn quảng cáo bởi người nổi tiếng như trước nữa. Chất lượng sản phẩm, sự độc đáo trong thiết kể và giá cả hợp lý là các yếu tố được ưu tiên nhiều hơn.

Các hãng trang sức và hàng xa xỉ truyền thống lâu đời như Richemont, Tiffany và Chow Tai Fook dù đã nỗ lực chuyển mình sang digital, song với giá cả quá cao do yếu tố thương hiệu và các mẫu thiết kế ít đổi mới liên tục, độc đáo, đã dẫn đến việc doanh số và lợi nhuận hoạt động của các hãng này hầu như chỉ đi ngang hoặc sụt giảm trong 5 năm vừa qua.

Trao đổi với ban lãnh đạo PNJ về xu hướng sụt giảm của thế giới này sẽ đe dọa đến PNJ ra sao, KIS Việt Nam cho biết ban lãnh đạo PNJ tin rằng tiềm năng cho mức tăng trưởng 2 chữ số của PNJ vẫn có thể đảm bảo ít nhất trong 5 năm tới.

Ban lãnh đạo PNJ giải thích rằng yếu tố địa chính trị tại Trung Quốc và sự sụt giảm giá dầu thế giới (ảnh hưởng đến nhóm khách hàng Trung Đông) đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ trang sức chung toàn cầu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cũng đồng tình rằng sau một thời gian, xu hướng giảm tiêu dùng xa xỉ của thể hệ Millenials là tất yếu – do đó việc duy trì tăng trưởng phụ thuộc vào khả năng làm mới sản phẩm liên tục và mở rộng sang cách ngành hàng khác của PNJ.

Theo Thanh Long/Vietnamfinance