Home Ấn tượng 24H “Quân bài chiến lược” của các nhà bán lẻ nội là gì?

“Quân bài chiến lược” của các nhà bán lẻ nội là gì?

0

Siêu thị thương hiệu Intimex Home & Food của Intimex

“Sự am hiểu khách hàng cùng chất lượng hàng hóa tốt, đa dạng, phù hợp với tâm lý người tiêu dùng chính là những yếu tố mấu chốt, quan trọng để doanh nghiệp bán lẻ Việt giữ chân khách hàng”, ông Phạm Hồng Thái, Tổng giám đốc CTCP Intimex Việt Nam chia sẻ.

Thị trường bán lẻ trong nước hiện nay đang có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà bán lẻ nước ngoài. Việc này đã tạo ra sức ép như thế nào tới các doanh nghiệp bán lẻ nội địa nói chung, thưa ông?

Đúng là thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay đang thu hút mạnh mẽ các nhà bán lẻ nước ngoài tham gia đầu tư. Sự xuất hiện ồ ạt của các “đại gia bán lẻ” nước ngoài đã tạo ra sức ép lớn tới các doanh nghiệp bán lẻ nội địa nói chung và Intimex nói riêng.

Phải nói rằng các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực lớn về vốn. Họ lại quản trị doanh nghiệp tốt, tính chuyên nghiệp cao. Bên cạnh đó, họ cũng có phương thức kinh doanh linh hoạt và hiệu quả; luôn nghiên cứu kỹ thị trường trước khi tổ chức hệ thống bán lẻ tại các vùng/ miền tại Việt Nam.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài còn mở rộng sang hệ thống cửa hàng tiện lợi, tiện ích, mở cửa 24/24. Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp Việt Nam.

Vậy theo ông, làm sao để các siêu thị Việt giữ khách, tận dụng lợi thế cạnh tranh, phát triển được trong tình hình các doanh nghiệp ngoại không ngừng nhòm ngó vào thị trường bán lẻ Việt Nam?

Tôi cho rằng sự am hiểu sâu sắc văn hóa, nhu cầu và thói quen của khách hàng là lợi thế lớn nhất của những nhà bán lẻ trong nước. Từ sự hiểu biết, các siêu thị Việt có thể đem đến chất lượng hàng hóa tốt, đa dạng và quan trọng nhất là phù hợp đến với người tiêu dùng. Đó chính là những điều mấu chốt, quan trọng để siêu thị Việt giữ chân khách hàng.

“Nói gì thì nói, với khách hàng đi mua hàng, điều họ cần nhất vẫn là sự phù hợp với tâm lý mua sắm, chất lượng sản phẩm đảm bảo, sau nữa là mua được cái họ cần mua ở nơi thuận tiện”.

Hệ thống Intimex đã hình thành và phát triển hơn 15 năm trong lĩnh vực bán lẻ nói chung và siêu thị nói riêng. Xin ông cho biết Intimex đã tận dụng cụ thể những lợi thế cạnh tranh nào để giữ chân khách hàng?

Chính việc am hiểu thị trường để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong từng thời kỳ khác nhau, chúng tôi đã và đang chuyển đổi từ mô hình kinh doanh cũ sang mô hình Home&Food. Hệ thống Intimex Home&Food không chỉ chú trọng cải thiện không gian mua sắm để mang đến cảm giác thân thiện, thoải mái tới người tiêu dùng mà còn tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, gia tăng sự đa dạng của sản phẩm – đặc biệt là nhóm ngành thực phẩm tươi sống.

Với thế mạnh là hệ thống sản xuất và cung cấp hàng Việt Nam trải dài khắp đất nước của Intimex nói riêng và Tập đoàn BRG nói chung, Intimex có thể đảm bảo được chất lượng nguồn cung đa dạng với chất lượng cao và nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo đem đến những sản nội địa ưu việt nhất đến tận tay khách hàng.

Intimex cũng đẩy mạnh việc nhập khẩu và phân phối trực tiếp các sản phẩm hàng hóa cao cấp từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu mua sắm các sản phẩm tốt, chất lượng cao của người tiêu dùng Việt Nam (có thể kể đến các sản phẩm trái cây cao cấp như táo Aomori, hay các dòng sản phẩm nước chấm, nước tương, nước táo ép từ Nhật Bản…).

Bên cạnh đó, Intimex cũng liên tục đưa ra những chương trình khuyến mãi đặc sắc phù hợp với tâm lý tiêu dùng. Đồng thời, các chương trình tích lũy, thẻ thành viên cũng được chúng tôi tập trung phát triển nhằm đem lợi ích cao nhất tới khách hàng nhất.

Còn việc mở rộng hệ thống siêu thị để người dân thuận tiện mua sắm nữa?

Đúng vậy. Điểm mẫu chốt nữa để chúng tôi có thể thu hút được khách hàng, đó là liên tục mở rộng hệ thống siêu thị tại các khu vực có mật độ dân cư đông đúc. Không chỉ thu hút khách hàng trong giai đoạn đầu, mục đích của chúng tôi là để các siêu thị này dần thay thế các chợ cóc, chợ dân sinh nhỏ lẻ, cửa hàng tạp hóa… Đương nhiên trước khi mở siêu thị, chúng tôi luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc nghiên cứu địa lý khu vực hay thói quen và hành vi mua sắm của người dân trong khu vực, từ đó mang đến những chương trình khuyến mãi hấp dẫn, thu hút khách hàng.

Đặc biệt, với việc bùng nổ các hình thức kinh doanh tiện tới như hiện nay thì Intimex cũng sẽ tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển các mô hình các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini nhằm hiện đại hóa và thay thế dần các mô hình bán lẻ đã cũ và lạc hậu.

Nói chung, tôi cho rằng, trước “sức ép” cạnh tranh, không chỉ Intimex mà các doanh nghiệp Việt nói chung cần chủ động cải cách mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đẩy mạnh việc phát triển thương hiệu và cửa hàng bán lẻ. Khi chúng ta mang lại lợi ích tốt nhất tới người tiêu dùng thì một lẽ tự nhiên, sẽ có sự gắn kết chặt chẽ giữa mối quan hệ khách hàng – doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Theo Đăng Nguyễn/Thương Gia