Thaco Trường Hải nâng cao tự động hoá trong sản xuất ô tô
Từ năm 2018, Thaco Trường Hải đã tập trung đầu tư công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa, ứng dụng số hóa trong quản trị điều hành.
Đầu tư xây dựng nhà máy thông minh
Hiện nay, tại Khu phức hợp (KPH) cơ khí và ô tô Chu Lai – Trường Hải có 6 nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô và 14 nhà máy công nghiệp hỗ trợ.
Trong đó, ngoài hai nhà máy Thaco Bus và Thaco Mazda là các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, 14 nhà máy công nghiệp hỗ trợ đều đã áp dụng hệ thống điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối các dây chuyền tự động toàn nhà máy, từng bước hình thành dây chuyền sản xuất, thực hiện quản trị thông minh xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng, sản xuất đến phân phối, đáp ứng việc sản xuất hàng loạt theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng, nâng tỷ lệ tự động hóa tại các nhà máy công nghiệp hỗ trợ đạt gần 60%.
Tại nhà máy Nhíp đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất tự động trong các công đoạn cấp phôi, thay khuôn, chỉnh cử, ghi chép dữ liệu… giám sát chất lượng sản phẩm bằng việc ứng dụng số hóa và tự động hóa với các hệ thống IoT, MES để tổng hợp, phân tích và đưa ra các cảnh báo kịp thời phát hiện các sản phẩm lỗi và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Tỷ lệ tự động hóa của nhà máy đạt trên 70%, nhờ đó đã nâng cao năng lực sản xuất của nhà máy từ 6.000 tấn/năm lên 10.000 tấn/năm và giảm 5% giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, sản phẩm của nhà máy đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc, khu vực Trung Mỹ và ASEAN với sản lượng xuất khẩu gần 200 tấn/tháng. Dự kiến năm 2019, nhà máy sẽ xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu.
Tại nhà máy Khuôn cũng đã triển khai áp dụng giải pháp cấp phôi tự động trên các máy tiện CNC và số hóa dữ liệu tại dây chuyền tiện CNC, ứng dụng công nghệ tự động trên các máy CNC vào quá trình sản xuất như máy phay giường MVR30EX, máy phay trung tâm CNC DMC 1150V (BT50), máy phay trung tâm CNC – GRAPHITE NVX 5100. Kỹ thuật tự động CNC cho phép linh hoạt trong thao tác, giúp giảm sai sót và tiết kiệm thời gian, giảm sức lao động.
Tại nhà máy nhà máy Phụ tùng điện ô tô và nhà máy ghế đã sử dụng hệ thống các xe tự hành AGV trong vận chuyển các linh kiện, vật tư, giảm thiểu nhân công, và nâng cao tính an toàn trong sản xuất. Tại nhà máy Linh kiện composite đã đầu tư các thiết bị tự động hiện đại xuất xứ từ châu Mỹ và châu Âu như máy thử nghiệm và thí nghiệm, robot cắt bằng tia nước…
Gia tăng hàm lượng công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa
Tự động hóa và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa là con đường tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Việc đẩy mạnh tự động hóa tại các nhà máy công nghiệp hỗ trợ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hàm lượng công nghệ, giúp Thaco làm chủ trong sản xuất linh kiện phụ tùng và cơ khí, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe chủ lực, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm ô tô.
Thời gian tới, Thaco Trường Hải tiếp tục đầu tư để gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước bằng dự án phát triển các nhà máy công nghiệp hỗ trợ mới: sản xuất khung gầm xe bus; sản xuất ống xả ô tô, sản xuất xy lanh thủy lực; sản xuất mâm ô tô; các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng cho xe du lịch… theo hướng nhà máy thông minh; và mở rộng sản xuất thiết bị cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng và thiết bị cơ khí công nghiệp khác để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ô tô và linh kiện phụ tùng lên trên 40%, thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Thaco đặc biệt chú trọng phát triển hoạt động R&D, bao gồm tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới, tập trung nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất, nghiên cứu sản phẩm và công nghệ sản xuất mới, phát triển và nâng cấp sản phẩm, nội địa hóa linh kiện, từng bước chuẩn hóa quy trình công nghệ nhằm tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, giúp giảm chi phí và nâng cao năng suất.