Vì sao lãi suất huy động ‘nóng’ trở lại?
“Nhu cầu thanh khoản cao vào thời điểm cuối năm, sự chuẩn bị cho việc giảm giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% hiện nay xuống 40% từ 1/1/2019 và sự dịch chuyển nhu cầu tín dụng từ USD sang VND là những áp lực cơ bản khiến cho lãi suất huy động tăng”, công ty chứng khoán SSI nhận định.
Vì sao lãi suất huy động nóng trở lại ở thị trường 1?
Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 19 – 23/11 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), kênh thị trường mở (OMO) tiếp tục hoạt động mạnh trong tuần vừa qua, trong khi kênh tín phiếu ghi nhận 2 tuần liên tiếp không phát sinh giao dịch nào. Cụ thể, NHNN đã mua kỳ hạn 63.655 tỷ đồng đối ứng với 58.566 tỷ đồng đáo hạn trên OMO.
Tính chung cả tuần, NHNN đã bơm ròng qua thị trường mở là 5.089 tỷ đồng.
Lãi suất VND trên liên ngân hàng tăng liên tục trong tuần trước khi giảm khá mạnh vào ngày giao dịch cuối tuần. Mức độ dao động của lãi suất tương đương nhưng mặt bằng chung có thấp hơn so với tuần trước đó, mức đỉnh trong tuần của lãi suất qua đêm là 4,9% và kết thúc tuần ở mức 4,717%, giảm lần lượt 0,06 điểm% và 0,05 điểm% so với tuần trước.
Theo quan sát của SSI, diễn biến này khá tương đồng với diễn biến của lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm khi duy trì mức 3,06% đã thiết lập trong suốt cả tuần, trước khi giảm tiếp 0,02 điểm% về 3,04% vào ngày thứ Sáu.
Tuy nhiên, không giống như diễn biến trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy động trên thị trường 1 tuần qua đã nóng trở lại khi khá nhiều các ngân hàng thông báo điều chỉnh lãi suất. Do mức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng bị khống chế trần 5,5% nên kỳ hạn được các ngân hàng đẩy lên mạnh nhất là 6-11 tháng với mức tăng 0,3-0,6 điểm%.
“Nhu cầu thanh khoản cao vào thời điểm cuối năm, sự chuẩn bị cho việc giảm giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% hiện nay xuống 40% từ 1/1/2019 và sự dịch chuyển nhu cầu tín dụng từ USD sang VND là những áp lực cơ bản khiến cho lãi suất huy động tăng”, SSI nhận định.
Tỷ giá USD/VND tăng để chuẩn bị cho giai đoạn nhiều áp lực vào cuối năm
Trong tuần, diễn biến có thể hỗ trợ tăng giá đồng GPB và EUR là việc Anh và EU chính thức đạt được thỏa thuận về vấn đề Brexit. Tuy vậy, sự lạc quan cũng không thể kéo dài khi thỏa thuận sơ bộ này còn phải qua vòng bỏ phiếu của Quốc hội Anh trước khi chính thức có hiệu lực. Trong khi đó vấn đề Italy đang ngày càng phức tạp. Vì vậy, chỉ số DXY vẫn dao động trong biên độ hẹp 96,7-96,9.
Đồng CNY tiếp tục mất giá 0,2% do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục sâu sắc khi 2 bên có những phát biểu khá gay gắt tại một cuộc họp của WTO. “Cả thế giới đang chờ đợi cuộc gặp mặt giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung vào cuối tháng này trong khuôn khổ hội nghị G20 với kỳ vọng sẽ đem lại những tín hiệu tích cực hơn”, SSI cho hay.
Đối với tỷ giá USD/VND, tỷ giá thị trường ngân hàng được điều chỉnh tăng mạnh trong khi tỷ giá tự do lại giảm liên tục, giúp thu hẹp khoảng cách giữa 2 thị trường. Cụ thể, tỷ giá trung tâm đã tăng 22 VND/USD, tỷ giá ngân hàng tăng thêm 45 VND/USD ở cả 2 chiều mua-bán lên mức 23.310/23.400, trong khi tỷ giá tự do giảm 20-30 VND/USD về mức 23.400/23.420.
Giá dầu thế giới trải qua 7 tuần giảm liên tiếp, mất hơn 25 USD/thùng về mức 59 USD/thùng với dầu Brent và 51 USD/thùng với dầu ngọt nhẹ, ngang bằng với cùng kỳ năm 2017. Trong tuần vừa qua, liên bộ Công thương – Tài chính đã tiếp tục điều chỉnh giảm giá xăng dầu bán lẻ, tính từ đầu tháng 11 đến nay giá xăng đã giảm gầm 2.000 VND/lít.
“Diễn biến này làm giảm áp lực đối lạm phát và với lãi suất thị trường 1 đang tăng, chênh lệch lãi suất thực dương nới rộng sẽ góp phần hỗ trợ đồng VND”, SSI nhận định.
Lợi tức trái phiếu tăng trong biên độ hẹp
Khối lượng chào thầu của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tuần này là 6.200 tỷ đồng, tăng so với 2.100 tỷ đồng của tuần trước, trong đó, khối lượng gọi thầu tăng gấp đôi với kỳ hạn 10 và 15 năm, không đổi với kỳ hạn 7 năm và giảm một nửa với kỳ hạn 5 năm.
Tỷ lệ trúng thầu cao nhất (71%) là ở kỳ hạn 10 năm vì lãi suất trúng thầu của kỳ hạn này đã tăng 0,03 điểm% so với tuần trước, lên 5,06%. Lãi suất của kỳ hạn 15 năm không đổi (5,3%) nên tỷ lệ trúng thầu thấp (42%).
“Tỷ lệ đăng ký/khối lượng gọi thầu đối với kỳ hạn 5 năm lên tới 4,2 lần và mức lãi suất đăng ký đã giảm đi 0,1 điểm% so với tuần trước thể hiện sự “xuống nước” của các thành viên thị trường. Tuy vậy, kỳ vọng lãi suất của 2 bên vẫn chưa gặp được nhau nên KBNN tiếp tục huy động không thành công đối với kỳ hạn 5 năm và 7 năm, ghi nhận tuần thứ 3 liên tiếp không có trái phiếu 5 năm nào được phát hành mới”, SSI đánh giá.
Lợi tức trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở tất cả các kỳ hạn, mức tăng từ 0,02-0,07 điểm%, mạnh nhất ở kỳ hạn 2-4 năm. Mức lợi tức hiện tại là 4,28%, 4,50%, 4,65%, 5,13% và 5,35% cho các kỳ hạn tương ứng 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm và 15 năm. Thanh khoản thị trường cải thiện đôi chút, tổng khối lượng giao dịch trong tuần là 32,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với tuần trước. Khối ngoại hoạt động khá mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt 1.308 tỷ đồng, trong đó mua vào 732 tỷ đồng các kỳ hạn dưới 5 năm và bán ra 576 tỷ đồng.
Tính chung lại, khối ngoại vẫn mua ròng 155 tỷ đồng, trong đó mua vào với kỳ hạn 2-5 năm và 6 tháng, bán ra với kỳ hạn 25-30 năm, kỳ hạn 12 tháng được giao dịch nhiều ở cả 2 đầu nhưng gộp lại là bán ròng gần 20 tỷ.