Home Ấn tượng 24H Vì sao ông Trần Bắc Hà phê duyệt cho 12 công ty...

Vì sao ông Trần Bắc Hà phê duyệt cho 12 công ty vay 4.700 tỷ đồng?

0

Trước khi bị khởi tố, bắt giam ngày 29/11, nguyên chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đã không đến dự phiên xử đại án Phạm Công Danh dù toà án triệu tập nhiều lần. Sự vắng mặt này cũng không thể giúp ông Bắc Hà trốn tránh khỏi trách nhiệm trong việc phê duyệt chủ trương cho 12 công ty vay tổng cộng 4.700 tỷ đồng.

Dàn lãnh đạo của Hội đồng quản trị BIDV thời điểm năm năm 2013-2014

Chiều 29/11, ông Trần Bắc Hà đã bị khởi tố và bắt tạm giam, khám xét về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại BIDV. Cùng ngày, ông Trần Lục Lang, nguyên Phó tổng giám đốc BIDV cũng bị khởi tố, bắt giam cùng cáo buộc tội danh này.

Ngoài ra, hai lãnh đạo khác ông Kiều Đình Hòa – nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh và bà Lê Thị Vân Anh – Nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp thuộc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh cũng bị bắt giam, khám xét.

Dư luận đang rất quan tâm tới tội trạng của ông Trần Bắc Hà dù trước đó, phiên toà xét xử đại án Phạm Công Danh sai phạm tại VNCB đã đề cập các vi phạm hoạt động cho vay của lãnh đạo BIDV. Đặc biệt, khi còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, ông Trần Bắc Hà đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay tổng cộng 4.700 tỷ đồng. Điều đáng nói, 12 công ty này được lập ra nhằm mục đích “vẽ” hồ sơ, rút tiền vay ngay sau khi BIDV đồng ý chủ trương cho vay hàng nghìn tỷ đồng.

Được biết, vào năm 2013, ông Trần Bắc Hà, ông Đoàn Ánh Sáng và ông Trần Lục Lang (hai Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban khách hàng doanh nghiệp và phụ trách ban quản lý rủi ro) cùng một số cá nhân khác là những người trực tiếp tham gia, xử lý hồ sơ cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ đồng. Khi đó, Phạm Công Danh đã đem thế chấp 6 lô đất tại Đà Nẵng và hơn 3.000 tỉ đồng tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) tại BIDV.

Cụ thể, ông Trần Lục Lang đã ký 12 công văn gửi các chi nhánh Bến Thành, Gia Định, Nam Sài Gòn, Sở giao dịch 2 với nội dung Hội sở chính chấp thuận chủ trương cho vay, dù trước đó Ủy ban quản lý rủi ro không tiến hành họp bàn với nhau mà chỉ lấy ý kiến từng thành viên rồi tổng hợp lại. Có 5/6 ý kiến đồng ý quyết định phê duyệt chủ trương cho vay, 1 người còn lại đi công tác. Báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên được ông Trần Bắc Hà phê duyệt.

Sau khi hoàn tất hồ sơ, các chi nhánh của BIDV gồm Bến Thành, Gia Định, Nam Sài Gòn và Sở Giao dịch 2 giải ngân cho 12 công ty của ông Danh từ 20/10 – 28/11/2013 số tiền 4.700 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này đều được các công ty chuyển vào tài khoản để Phạm Công Danh sử dụng.

Khi đến hạn, 12 công ty không trả được nợ nên BIDV đã tự động trừ tiền trên tài khoản tiền gửi của VNCB. Vì chịu trách nhiệm bảo lãnh cho các khoản vay nói trên, VNCB đã bị thiệt hại hơn 2.500 tỉ đồng.

Theo điều tra, 12 công ty này do Phạm Công Danh lập nên đều là công ty “ma”, các giám đốc các công ty này được thuê với mức lương 5-10 triệu đồng người/tháng chỉ là các lái xe, bảo vệ…

Việc BIDV quyết định cho vay 4.700 tỷ đồng khi chưa có đủ cơ sở xác định khách hàng có khả năng trả nợ trong hạn cam kết, chưa có phương án khả thi và hiệu quả là chưa thực hiện đầy đủ về điều kiện cho vay đối với khách hàng.

Hàng loạt các lỗi vi phạm quy định trong quá trình phê duyệt, thẩm định, giải ngân cho nhóm 12 công ty này vay đã được chỉ rõ, như: BIDV cho vay khi chưa thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản thế chấp; hợp đồng cầm cố 3 bên (gồm VNCB, BIDV và khách hàng) chỉ có chữ ký của tổng giám đốc VNCB là không phù hợp với quy định. BIDV (Sở Giao dịch 2) chỉ có văn bản yêu cầu khách hàng vay vốn cung cấp chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn và sắp xếp để ngân hàng kiểm tra sau cho vay mà không kiểm tra sau cho vay đối với khách hàng là sai quy định …

Với những sai phạm của mình tại BIDV trong việc cho Phạm Công Danh vay 4.700 tỉ đồng, ông Trần Bắc Hà từng bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính. Khi toà án xét xử vụ án Phạm Công Danh và nhiều lần triệu tập ông Trần Bắc Hà tới phiên toà song ông này đã vắng mặt.

Sự vắng mặt này cũng không thể giúp ông Trần Bắc Hà trốn tránh khỏi trách nhiệm trong việc phê duyệt chủ trương cho 12 công ty vay tổng cộng 4.700 tỷ đồng.

Tại phiên họp thứ 26 vào tháng 8 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận ông Trần Bắc Hà – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.

Cụ thể, ông Bắc Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Do đó, ông Trần Bắc Hà đã bị khai trừ khỏi Đảng và đến ngày 29/11, cơ quan công an đã khởi tố bị can và bắt giam vị chủ tịch ngân hàng quyền lực này.

Ngoài Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà và Trần Lục Lang bị bắt giam, còn những lãnh đạo nào của BIDV tham gia họp bàn, thống nhất chủ trương phê duyệt cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ đồng?

Trong giai đoạn 2013-2014, Hội đồng quản trị BIDV gồm 9 thành viên, nhu ông Phan Đức Tú, Uỷ viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Nguyễn Huy Tựa, Nguyễn Trung Hiếu, Ngô Bá Lại, Hoàng Huy Hà…

BIDV đã miễn nhiệm 2 uỷ viên là ông Nguyễn Trung Hiếu, Ngô Bá Lại và bầu bổ sung 2 lãnh đạo khác…

Việc phê duyệt chủ trương, cho vay đối với giá trị khoản vay lớn như 4.700 tỷ đồng thì sẽ phải thông qua sự phê duyệt của Hội đồng tín dụng BIDV gồm nhiều thành viên, vậy còn những ai phải chịu trách nhiệm khi cho vay quy định, gây thiệt hại lớn? Nhất là khi khoản cho vay 4.700 tỷ đồng ở nhóm 12 công ty của Phạm Công Danh chiếm tới 16,7% vốn điều lệ BIDV khi đó chỉ có 28.112 tỷ đồng và nhiều hơn cả lợi nhuận của nhà băng này năm đó.

Hậu quả của việc giải ngân cho vay sai quy định đã dẫn tới gây thiệt hại nợ xấu rất lớn cho BIDV, ảnh hưởng tới lợi nhuận, đồng thời gây thiệt hại cho VNCB.

Theo Hải Hà-Đăng Nguyễn

Doanh nghiệp và Thương hiệu