Theo dự kiến, ngày 5/12, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM sẽ mở phiên toà xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của ông Đặng Thanh Bình (64 tuổi, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình sẽ hầu tòa vào ngày 5/12
Theo đơn kháng cáo, ông Đặng Thanh Bình cho rằng bản án sơ thẩm nhận định ông là người đứng đầu là không chính xác, chưa xem xét thấu đáo toàn bộ nội dung vụ án.
Ngoài ông Đặng Thanh Bình, 2 bị cáo khác cũng đã nộp đơn kháng cáo.
Trước đó, ngày 2/7, Tòa án nhân dân TP. HCM đã tuyên án 3 năm tù đối với ông Đặng Thanh Bình về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gây thất thoát 15.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Đối với 4 bị cáo nguyên là Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB, Tòa án nhân dân TP. HCM tuyên các mức án như sau: bị cáo Hà Tấn Phước (nguyên Tổ trưởng tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh Long An) lĩnh án 2 năm tù; Phạm Thế Tuân (nguyên Phó giám đốc ngân hàng Vietcombank chi nhánh TP. HCM) lĩnh án 1 năm tù.
Bị cáo Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh Long An) nhận 2 năm 6 tháng tù; Ngô Văn Thanh (nguyên Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Ngân hàng Vietcombank Long An) bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù.
Trước đó, theo Viện kiểm sát, ông Đặng Thanh Bình đã có hành vi không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín do chính NHNN đã trình Thủ tướng chính phủ.
Ông Bình không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng và năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh mà vẫn quyết định để Phạm Công Danh tham gia quản lý điều hành, sử dụng ngân hàng như một công cụ, phương tiện thực hiện hành vi phạm tội gây ra các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo Viện kiểm sát, hành vi của bị cáo Bình là nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín, để Phạm Công Danh có điều kiện thực hiện tội phạm, gây thiệt hại cho VNCB trên 15.000 tỷ đồng; làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động tài chính, tín dụng quốc gia.
Nói lời sau cùng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Đặng Thanh Bình cho rằng các cáo buộc với ông đã được làm rõ. “Trách nhiệm cá nhân, tôi thấy rằng Viện kiểm sát cũng đã đánh giá thấu đáo. Trước áp lực lớn của công việc, tái cơ cấu không chỉ sáu ngân hàng yếu kém, nhưng giữ vững được an ninh tiền tệ là điều tôi tự hào”, ông Bình nói.
Ông Bình đặc biệt nhấn mạnh việc thanh tra, giám sát là yếu tố quan trọng quyết định thành bại của quá trình quản lý cũng như tái cơ cấu ngân hàng. Ông mong ngành ngân hàng rút kinh nghiệm cho những lần tái cơ cấu sau, thông qua việc quan tâm đến công tác thanh tra, giám sát để hoàn thành trách nhiệm.
Theo Đức Hoàng/VietnamFinance