Ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu FOC đã tăng kịch trần 40% lên 154.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa của FPT Online theo đó lên đến gần 2.200 tỷ đồng.
Hơn 14 triệu cổ phiếu FOC của Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) đã chính thức lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 110.000 đồng/cổ phiếu.
Ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu FOC đã tăng kịch trần 40% lên 154.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa của FPT Online theo đó lên đến gần 2.200 tỷ đồng.
Hiện cổ đông lớn nhất của FPT Online là Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) với tỷ lệ sở hữu lên đến 59,12%; tiếp theo là Công ty Cổ phần FPT với tỷ lệ sở hữu 24,96%. Cổ đông lớn thứ ba là Công ty Cổ phần Dịch vụ – Dữ liệu công nghệ thông tin vi na với tỷ lệ sở hữu 6,96%.
Chủ tịch HĐQT FPT Online là ông Thang Đức Thắng, Phó Chủ tịch là bà Chu Thị Thanh Hà và Ủy viên HĐQT là ông Nguyễn Thế Phương. Ông Thang Đức Thắng hiện cũng là Tổng biên tập Báo VnExpress.
Hoạt động chính của FPT Online chủ yếu là triển khai truyền thông cho khách hàng trên trang báo VnExpress.net; Ngoisao.net; Ione.net với hình thức đặt banner quảng cáo. Doanh thu được tính dựa trên cơ sở vị trí quảng cáo, kích thước quảng cáo và thời gian khách hàng chạy quảng cáo trên các trang.
Năm 2017, VnExpress có 41,3 triệu lượt người đọc (user) trung bình theo tháng, trong đó 9,71% users từ nước ngoài theo số liệu của Google Analytics. Với báo Ngoisao.net, 75% độc giả là nữ, từ độ tuổi 22-35. Sohoa.net là một cổng thông tin về công nghệ, trong khi đó iOne là trang tin hướng đến giới trẻ Việt Nam. FPT Online hiện cũng sở hữu mạng xã hội ViTalk.vn.
Năm 2018, HĐQT FPT Online đã chỉ đạo thu gọn mô hình kinh doanh đến mức đơn giản nhất: chỉ tập trung vào mảng chính là kinh doanh về nội dung truyền thông, quảng cáo – mảng mang lại doanh thu chính cho công ty.
“Quyết định chiến lược này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2017 của FPT Online đạt lợi nhuận trước thuế tăng 10,2%, lợi nhuận sau thuế tăng 9,7% so với năm trước”, phía FPT Online cho biết.
Về nội dung, công ty này cho hay: “các báo của FPT Online theo đuổi chiến lược nâng cao chất lượng, phát triển uy tín của một cơ quan truyền thông chính thống, độ tin cậy cao. Tòa soạn khai thác sâu các chủ đề thời sự, các vấn đề lớn, áp dụng các hình thức thể hiện: Interactive, Infographic, Video…”.
Về mảng kinh doanh sản phẩm dịch vụ số, FPT Online cho biết công ty đã có bước đột phá trong việc hợp tác với đối tác mạng quảng cáo số – như Google – mở ra khả năng doanh thu từ không gian quảng cáo trên thị trường quốc tế mà FPT Online đang sở hữu.
Về mảng công nghệ, FPT Online khẳng định rằng hệ thống xuất bản VnExpress Editor đã ngày càng hoàn thiện hơn, có thể thương mại hóa. Hệ thống này được đánh giá là “có công nghệ tiên tiến, hoạt động với độ ổn định cao, khả năng tùy biến linh hoạt, phục vụ việc đưa thông tin đồ sộ về dung lượng và đa dạng về loại hình. Suốt 17 năm, hệ thống đã hoạt động bền bỉ và được cải tiến không ngừng”.
Theo báo cáo tài chính quý III/2018, doanh thu thuần 9 tháng của FPT Online đạt 378 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 292 tỷ đồng, giảm gần 4%.
Tuy nhiên, do chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 26% xuống 75 tỷ đồng, doanh thu tài chính tăng 29% lên 28,5 tỷ đồng đã giúp FPT Online đạt lợi nhuận trước thuế tăng 8,3% lên 217 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 30/9/2018, tổng tài sản của FPT Online đạt 1.019 tỷ đồng, tăng 6,7% so với hồi đầu năm. Phần lớn tài sản của FPT Online là các khoản tiền gửi ngân hàng, lên đến 650 tỷ đồng, chiếm gần 2/3 tổng tài sản.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của FPT Online đến hết ngày 30/9/2018 ở mức 744 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả ở mức 274 tỷ đồng. Đáng chú ý, FPT Online không vay nợ đồng nào.
Về cổ tức, thống kê 3 năm gần đây cho thấy, FPT Online luôn chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức rất cao: 50% năm 2015, 60% năm 2016 và 50% năm 2017. Dự kiến cổ tức năm 2018 lớn hơn hoặc bằng 35%.
Theo Thanh Long/VietnamFinance